'Ông chủ' BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu về lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng
Quang Toàn -
18/01/2019 18:26 (GMT+7)
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng Phương Thành Tranconsin vẫn duy trì tăng trưởng trên 10% với sản lượng sản xuất kinh doanh đạt khoảng 1.650 tỷ đồng. Lợi nhuận ước tính đạt trên 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) cho biết, năm 2018, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10% với sản lượng sản xuất kinh doanh đạt khoảng 1.650 tỷ đồng. Lợi nhuận ước tính đạt trên 200 tỷ đồng.
Trang điện tử của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin), tại thời điểm này công ty đang là nhà đầu tư toàn bộ dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án BOT cầu Bạch Đằng….. Đồng thời, tham gia thi công các dự án trọng điểm như: dự án BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dự án BOT cầu Bạch Đằng, dự án BOT cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án xây dựng đường hành lang ven biển tại Cà Mau, dự án kết nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống….
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành hiện có 6 công ty thành viên với hơn 1.100 cán bộ, công nhân lao động là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ; Công ty TNHH một thành viên tư vấn xây dựng TCI; Công ty TNHH một thành viên khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty cổ phần giao thông 18, Công ty cổ phần Nguyên Minh và Công ty cổ phần giáo dục Poki Tân Á Châu.
Về miễn phí qua trạm BOT Pháp Vân Cầu - Giẽ mà Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất trước đó bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đồng ý, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khôi Khôi cho hay, nhà đầu tư rất chủ động chia sẻ với bà con trong 3 ngày Tết. Tuy nhiên, hiện nay trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là trạm thu liên thông với Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nên trong trường hợp VEC không miễn phí trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng không thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Khôi cho biết: "Mặc dù thời gian thu của dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được giảm từ 17 năm 3 tháng còn còn hơn 12 năm và theo quy định 3 năm nhà đầu tư được tăng phí nhưng ngược lại, nhà đầu tư lại phải giảm phí. Nhà đầu tư cam kết, sau khi hoàn thiện giai đoạn 2 cũng sẽ không tăng phí để chia sẻ với người dân. Chúng tôi chỉ mong thu đủ phí để trả nợ ngân hàng”.
“Nếu nhà đầu tư trích lợi nhuận của mình để miễn phí cho người dân trong 3 ngày Tết thì không “ổn lắm” bởi nhà đầu tư BOT cũng chỉ được hưởng lợi nhuận cố định 11%/năm. Đây là mức lợi nhuận thấp so với đầu tư các lĩnh vực khác”, ông Nguyễn Văn Khôi phân tích”.
Về đề xuất này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã nhận được đề nghị của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ về việc “xả” trạm 3 ngày Tết Nguyên đán 2019 và có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đề xuất của doanh nghiệp không được quy định trong hợp đồng BOT và các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, việc dừng thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ dịp Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ ảnh hưởng tới việc thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình liền kề do hai tuyến này đang thực hiện thu phí liên thông. Đồng thời, sẽ ảnh hưởng tới tất cả các trạm BOT trên toàn quốc.
Dẫn quy định pháp luật, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trạm thu phí phải hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ. Khi trạm phải ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng, đơn vị thu phí phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm. Đồng thời, phải báo cáo ngay cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu phí vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Vì vậy, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện việc thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ theo đúng quy định.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, đề xuất của nhà đầu tư chỉ được chấp nhận khi nhà đầu tư bỏ tiền của mình miễn phí cho các chủ phương tiện qua trạm. Nhưng nếu nhà đầu tư xả trạm rồi kéo dài thời gian thu phí là không đúng quy định pháp luật.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone