Ông Putin: ‘Đóng băng’ quan hệ với Nga, Đức chịu thiệt hại nặng nề nhất

Hải Đăng - 05/12/2023 14:58 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng các nước chẳng có lợi gì khi “đóng băng” quan hệ với Nga, trong đó Đức là nước hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất.

"Việc hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia (Nga và Đức) và có lẽ không chỉ chúng tôi mà cả châu Âu. Đáng chú ý, năng lượng luôn là lĩnh vực hợp tác song phương hấp dẫn.

Trong nhiều thập kỷ, Nga đã cung cấp cho Đức nhiên liệu khí đốt, dầu thân thiện với môi trường và các nguyên liệu năng lượng thô khác một cách đáng tin cậy, không bị gián đoạn, với giá cả phải chăng.

Và sự hợp tác này đã bị hủy hoại theo đúng nghĩa đen, bao gồm cả hành vi phá hoại Dòng chảy phương Bắc", ông Putin nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra ngày 4/12.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng, bên cạnh mối quan hệ chính trị và kinh tế, mối quan hệ giữa Nga và Đức trước đây đã phát triển rất thành công trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa và nhân đạo, cũng như mối quan hệ giữa nhân dân hai nước đã có những bước tiến mới.

"Tôi muốn nhấn mạnh điều này, Nga luôn ủng hộ việc xây dựng quan hệ Nga - Đức trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích lẫn nhau. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng những mối quan hệ như vậy không chỉ quan trọng đối với hai nước mà còn đối với cả châu Âu”, người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh thêm

Kinh tế Đức lao đao

Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho thấy nền kinh tế nước này đã giảm nhẹ trong quý III vừa qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,1% so với quý II.

Ông Ruth Brand, Chủ tịch Destatis, cho biết: “Sau sự phát triển yếu kém trong nửa đầu năm, nền kinh tế Đức bắt đầu nửa cuối năm 2023 với sự suy giảm nhẹ”.

Mặc dù lạm phát giảm mạnh trong những tháng gần đây xuống còn 3,8% trong tháng 10 từ mức 6,1% trong tháng 8 và hơn 10% vào năm ngoái, giá cả tăng vẫn tiếp tục là gánh nặng đối với người tiêu dùng Đức trong mùa hè vừa qua. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 2/3 GDP của Đức, đã giảm 0,3% trong quý III.

Xuất khẩu của Đức giảm 0,8%, trong khi nhập khẩu thậm chí còn giảm mạnh hơn khi lên tới 1,3%.

Dữ liệu này có nghĩa là Đức hiện "đã có một chân rơi vào suy thoái". Nếu sản lượng cũng sụt giảm trong quý IV, nền kinh tế sẽ chính thức bước vào suy thoái kỹ thuật.

Xuất khẩu của Đức giảm 0,8%, trong khi nhập khẩu thậm chí còn giảm mạnh hơn khi lên tới 1,3%.

Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm trong quý IV nhưng “tăng trưởng nhẹ” sẽ quay trở lại trong quý I/2024 .

Ông Dullien, giám đốc Viện IMK có trụ sở tại Dusseldorf, mới đây đã đưa ra cảnh báo về gánh nặng đối với tiêu dùng và đầu tư kinh doanh của Đức và tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng về bản chất, bằng cách quay lưng với nhiên liệu của Nga, Đức đã khiến ngành công nghiệp nước này bị suy yếu.

Theo các chuyên gia, đến cuối năm nay Đức có thể trở thành nước công nghiệp duy nhất rơi vào suy thoái. Hiện tại, thiệt hại của nền kinh tế Đức do các lệnh trừng phạt chống Nga ước tính lên tới hàng trăm tỷ euro. Đây là cả tổn thất trực tiếp và lợi ích bị mất. Hơn nữa, những hậu quả tiêu cực được quan sát thấy ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Đức.

Xem thêm >> Căng thẳng lên đỉnh điểm, EU vẫn nhập khẩu mạnh nhiều mặt hàng của Nga

Theo DW, TASS
Cùng chuyên mục
Tin khác