'Quái thú hạt nhân' của Trung Quốc lập kỳ tích chưa từng có

Quang Đăng - 13/05/2025 08:45 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân khi nhà máy điện hạt nhân Qinshan giai đoạn III ghi nhận một cột mốc chưa từng có.

Tổ máy số 1 của nhà máy này đã vận hành liên tục trong 738 ngày trước khi dừng hoạt động vào ngày 1/5, lập kỷ lục mới trên toàn cầu, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững.

Thành tựu ấn tượng này không chỉ minh chứng cho độ tin cậy và hiệu suất vượt trội của công nghệ lò phản ứng CANDU-6, mà còn phản ánh quyết tâm của Trung Quốc trong việc giảm phát thải carbon.

Trong suốt chu kỳ hoạt động dài kỷ lục, tổ máy đã sản xuất hơn 12,5 tỷ kWh, giúp tiết kiệm khoảng 4,19 triệu tấn than và cắt giảm khoảng 10,98 triệu tấn khí CO₂ – một đóng góp đáng kể vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nhà máy điện hạt nhân Qinshan nằm ở huyện Haiyan, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc (Ảnh: Hu Yuwei/GT)

Dấu ấn toàn cầu của công nghệ CANDU

CANDU (viết tắt của Canada Deuterium Uranium) là một loại lò phản ứng nước nặng chịu áp suất (PHWR), sử dụng urani tự nhiên làm nhiên liệu và nước nặng (một dạng nước khác biệt về mặt hóa học) để làm mát và kiểm soát các phản ứng hạt nhân.

Được phát triển bởi Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Canada (AECL), CANDU được đánh giá cao nhờ thiết kế tiên tiến cho phép tiếp nhiên liệu trong khi lò vẫn đang hoạt động, không cần tắt máy – yếu tố then chốt giúp các lò phản ứng này đạt thời gian vận hành liên tục ấn tượng.

Hiện nay, có 9 lò phản ứng CANDU-6 đang hoạt động trên toàn thế giới, đặt tại các vị trí chiến lược như Cernavoda (Romania), Embalse (Argentina), Point Lepreau (Canada), Qinshan III (Trung Quốc) và Wolsong (Hàn Quốc). Các quốc gia sở hữu CANDU đều hưởng lợi từ khả năng vận hành ổn định, độ an toàn cao và hiệu quả kinh tế của công nghệ này.

Dù thành tích của Qinshan là rất đáng nể, kỷ lục vận hành liên tục lâu nhất vẫn thuộc về Tổ máy số 1 tại nhà máy Darlington (Canada) với 1.106 ngày. Điều này càng củng cố uy tín của công nghệ PHWR trong cung cấp nguồn điện ổn định và bền vững.

Gia hạn vòng đời cho Qinshan Giai đoạn III

Giai đoạn III của Nhà máy Qinshan bao gồm hai lò phản ứng CANDU-6, được đưa vào vận hành từ đầu những năm 2000 với tuổi thọ thiết kế ban đầu là 30 năm. Hiện tại, một chương trình cải tiến quy mô lớn đang được triển khai nhằm kéo dài vòng đời thêm 30 năm nữa – đảm bảo khả năng sản xuất năng lượng liên tục cũng như gia tăng giá trị đầu tư ban đầu.

Quá trình cải tiến này vô cùng phức tạp, bao gồm việc thay thế hàng nghìn bộ phận phụ trợ và đặc biệt là các kênh nhiên liệu – những ống áp suất chịu nhiệt và áp lực cao, vận chuyển nhiên liệu hạt nhân trong lò. Mỗi lò CANDU chứa 480 ống như vậy, việc tháo dỡ và thay thế đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao cùng kế hoạch triển khai tinh vi.

Trong suốt quá trình phát triển, thiết kế của CANDU cũng được cải tiến liên tục. Từ các phiên bản ban đầu với công suất khoảng 500 MWe, đến CANDU-6 với 600 MWe – phù hợp cho các nhà máy quy mô nhỏ và độc lập – và sau đó là hướng phát triển CANDU-9 với quy mô lớn hơn. Những nỗ lực này giúp công nghệ CANDU luôn giữ được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân toàn cầu.

Sự kiện Qinshan lập kỷ lục thế giới không chỉ là cột mốc công nghệ, mà còn là chiến thắng lớn về việc bảo về môi trường. Việc tiết kiệm hàng triệu tấn than và cắt giảm lượng khí nhà kính khổng lồ cho thấy năng lượng hạt nhân, nếu được triển khai đúng cách, hoàn toàn có thể đóng vai trò chủ đạo trong quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch.

Một trong những đặc điểm nổi bật của CANDU là khả năng tiếp nhiên liệu khi đang vận hành – giúp tối đa hóa hiệu suất và đảm bảo cung cấp điện không bị gián đoạn. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng cao, đòi hỏi nguồn cung ổn định, an toàn và thân thiện với môi trường.

Theo Sustainability Times
Trung Quốc phê duyệt kỷ lục 11 dự án điện hạt nhân, tổng vốn 31 tỷ USD

Trung Quốc phê duyệt kỷ lục 11 dự án điện hạt nhân, tổng vốn 31 tỷ USD

Tài chính quốc tế
(VNF) - Trung Quốc ngày 19/8 đã phê duyệt 11 lò phản ứng hạt nhân mới, đây là số lượng giấy phép kỷ lục được thông qua khi chính phủ nước này ngày càng dựa nhiều hơn vào năng lượng nguyên tử để hỗ trợ cho nỗ lực cắt giảm khí thải.
Cùng chuyên mục
Mark Zuckerburg nuôi giấc mơ AI, Meta 'bay' 200 tỷ USD vốn hóa

Mark Zuckerburg nuôi giấc mơ AI, Meta 'bay' 200 tỷ USD vốn hóa

26/04/24 12:36 (GMT+7)

Mặc dù ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vượt dự kiến trong quý I/2024, "gã khổng lồ" Meta mới đây vẫn chứng kiến cổ phiếu giảm mạnh, kéo sụt vốn hóa thị trường do ông chủ Mark Zuckerberg quá tập trung vào những kế hoạch "tiêu tiền" thay vì "kiếm tiền".