Quảng Trị chuyển đổi gần 250ha đất rừng để làm cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Đức Hoàng - 15/04/2020 17:11 (GMT+7)

(VNF) - Tỉnh Quảng Trị vừa quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất có rừng, đất trống quy hoạch lâm nghiệp để thực hiện dự án thành phần đầu tư, xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam đoạn qua đại phương này.

VNF
Một đoạn cao tốc La Sơn - Tuý Loan kết nối với tuyến Cam Lộ - La Sơn

Tổng diện tích chuyển đổi trên 247ha, trong đó rừng tự nhiên 2ha, rừng trồng 243ha, đất trống quy hoạch lâm nghiệp hơn 2,1ha. Diện tích rừng và đất rừng chuyển đổi tập trung ở các xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ), Triệu Thượng (huyện Triệu Phong), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), Hải Lâm (huyện Hải Lăng) và phường 3 thành phố Đông Hà.

Chủ quản lý của diện tích rừng, đất rừng này là các công ty lâm nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài 98,35km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị là 37,3km. Tính đến nay, Quảng Trị đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư 35,27km/37,3km; hoàn thành việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư và bàn giao người dân xây dựng nhà ở.

So với các địa phương khác, Quảng Trị là địa phương có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất hiện nay. Tuy nhiên, Quảng Trị hiện vẫn còn 2,03km chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng do liên quan đến việc đền bù về đất của 5 hộ dân và công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất của 2 tổ chức là Trung tâm Khoa học Bắc Trung Bộ và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Thạch Hãn.

Hiện nay các thủ tục về đền bù về đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang được tỉnh Quảng Trị thực hiện tích cực, dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km đi qua 13 địa phương gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Tổng mức đầu tư của 11 dự án thành phần là hơn 118.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 12,4 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ hoàn thành 70% khối lượng, trong đó các vướng mắc chủ yếu liên quan đến bồi thường về đất ở, đất rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ, xây dựng các khu tái định cư, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn…

Trong khi đó theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động này phải hoàn thành trong tháng 6/2020. 

>>> Xem thêm: Thái Bình: Siêu dự án Cồn Vành - Cồn Thủ sẽ có casino và sân golf

Cùng chuyên mục
Tin khác