Tài chính quốc tế

Sau giá dầu và khí đốt, tới lượt giá than lập đỉnh

(VNF) - Giá dầu mỏ, khí đốt và than nhiệt đã liên tục lập đỉnh trong bối cảnh xung đột leo thang đỉnh điểm tại Ukraine và Nga phải hứng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu.

Sau giá dầu và khí đốt, tới lượt giá than lập đỉnh

Giá than nhiệt lập đỉnh trong bối cảnh xung đột leo thang tại Ukraine.

Theo truyền thông Australia, giá than nhiệt Newcatsle cung cấp đường biển cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng hơn 150 USD (tương đương 42%) lên đến 435 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 2/3, cao gấp 3 lần so với đầu năm.

Việc Nga động binh với nước láng giềng Ukraine và hứng loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản và châu Âu đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá than.

Dù cho tới nay, các lệnh trừng phạt chưa áp dụng với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, song một số nhà nhập khẩu than ở châu Âu và châu Á bắt đầu hủy các đơn đặt hàng với Nga và tìm nhà cung cấp thay thế.

Theo công ty tư vấn tài nguyên Wood MacKenzie, mặc dù xuất khẩu than như Australia và Indonesia sẽ thu về các khoản lợi nhuận ngắn hạn nhưng tác động lâu dài của các lệnh trừng phạt lên Nga có thể làm tê liệt nhiều nền kinh tế trên thế giới.

"Việc phải thay thế khối lượng than của Nga sẽ dẫn đến một cú sốc về giá đối với thị trường than toàn cầu và sự thiếu hụt than ở châu Âu", công ty này cho biết thêm.

Mặc dù thời tiết tại châu Âu đã ấm lên và mức tiêu thụ giảm dần nhưng giá khí đốt ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo số liệu của Sàn giao dịch London ICE, giá khí đốt ở châu Âu trên sàn giao dịch này ngày 2/3 đã vọt lên gần 2.230 USD/1.000 m3, tăng 59,4%, phá kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 12/2021,

Giá khí đốt giao tháng 4 tại Trung tâm TTF Hà Lan tăng lên 2.226 USD/1.000 m3. So với cùng kỳ 2021, giá khí đốt tại châu Âu tăng 1.014%.

Giá “vàng đen” cũng khiến thế giới chao đảo trong những ngày gần đây.

Giá dầu Brent tương lai sáng 3/3 tăng 3,4% lên 116,8 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất trong 7 năm qua. Giá dầu thô WTI cũng vượt qua mức 114 USD/thùng lần đầu kể từ năm 2011 đến nay.

Diễn biến mới nhất cho thấy, đà tăng dường như không thể bị đảo ngược ngay cả khi các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đồng ý xả 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ để giảm áp lực về giá.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 2/3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4 tới, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục.

Xem thêm >> Tỷ phú Nga Abramovich: 'Bán Chelsea để ủng hộ nạn nhân chiến sự Ukraine'

Tin mới lên