Savills: Dịch vụ văn phòng ảo ‘cứu rỗi’ startup thời Covid-19

Trịnh Thu - 24/05/2021 22:17 (GMT+7)

(VNF) - Theo Savills, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, dịch vụ văn phòng ảo được các doanh nghiệp start-up và quy mô nhỏ xem là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp có một không gian hoạt động với chi phí thấp hơn so với thuê mặt bằng văn phòng.

VNF
Savills: Dịch vụ văn phòng ảo ‘cứu rỗi’ startup thời Covid-19

Báo cáo của Savills cho biết nguồn cung văn phòng trong quý I/2021 đạt trên 2 triệu m2, tăng 3% theo quý và 10% theo năm với công suất cho thuê giữ ổn định tại mức 89%.

Một điểm đáng lưu ý của thị trường văn phòng trong bối cảnh dịch Covid-19 là sự quan tâm đối với văn phòng chia sẻ (co-working) - mô hình cung cấp dịch vụ kinh doanh cho phép các cá nhân và nhóm làm việc độc lập hoặc hợp tác trong một không gian văn phòng dùng chung.

Xu hướng này đang được giới trẻ năng động yêu thích vì làm việc ở bên ngoài, chủ động về thời gian và đây cũng là mô hình đã phát triển ở những quốc gia có nền kinh tế năng động.

Tuy nhiên, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, cho rằng dù đang là xu hướng mới, mô hình co-working và mô hình văn phòng truyền thống không quá cạnh tranh trực tiếp với nhau. Nguyên nhân là co-working chỉ phù hợp với các công ty start - up hoặc mới đặt chân đến thị trường Việt Nam, chứ chưa hẳn phù hợp với các công ty có dự định hoạt động lâu dài.

Thực tế, các doanh nghiệp cần có mô hình văn phòng lớn trong khoảng 1.000 – 2.000 m2 mặt sàn, nên họ có xu hướng chọn những tòa nhà có ngân sách thuê hợp lý vừa túi tiền hơn để có thể có chi phí đầu tư lại về nội thất, thay đổi lại mô hình làm việc cho phù hợp với văn hóa công ty.

Đáng chú ý, Savills cho hay dịch Covid-19 làm rõ hơn sự xuất hiện văn phòng ảo. Trong giai đoạn dịch bệnh, dịch vụ văn phòng ảo được các doanh nghiệp start-up và quy mô nhỏ xem là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp có một văn phòng hoạt động với chi phí thấp hơn so với thuê mặt bằng văn phòng.

Các nhà cung cấp văn phòng ảo giúp người thuê đăng ký địa chỉ chính thức trong toà nhà của họ kèm theo các dịch vụ như nhận thư, cung cấp phòng họp khi cần thiết. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chỉ cần đăng ký địa chỉ văn phòng và làm việc ở bất cứ đâu.

Song, Savills cho rằng mô hình văn phòng ảo là điều không nên khuyến khích bởi những cơ sở pháp lý chưa rõ ràng. Theo bà Minh, hiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc thiết lập các văn phòng ảo trong khi các doanh nghiệp không có chỗ ngồi thực tế hay hợp đồng thuê cụ thể mà chỉ cần một địa chỉ để đăng ký kinh doanh, đăng ký tên miền doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp dùng mô hình này thường sẽ thuê theo tháng hoặc trả tiền thuê theo số ngày ngồi tại văn phòng. Do đó, các công ty cung cấp dịch vụ văn phòng ảo cần có trách nhiệm nhận báo cáo của các công ty thuê chỗ ngồi và giữ liên hệ.

“Với tính linh động nhất định, mô hình này sẽ chỉ phù hợp với các công ty start-up hoặc mới đặt chân đến thị trường Việt Nam. Còn đối với những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thì văn phòng truyền thống vẫn là lựa chọn được ưu tiên”, Savills nhận xét.

Về thị trường văn phòng Hà Nội, trong báo cáo quý I/2021, Savills cho biết, trong 3 tháng đầu năm, thị trường đón nhận 2 dự án hạng A với 9.700m² tại khu vực trung tâm và khu vực phía tây, 6 dự án hạng B với 40.000 m² tại khu vực nội thành và khu vực phía tây.

Phân khúc hạng A có tăng trưởng nguồn cung lớn nhất theo năm với 24%, theo sau là văn phòng hạng B với 9%. Tuy nhiên, hạng B vẫn duy trì nguồn cung lớn nhất với gần 940.000 m2, tương đương với 47% tổng nguồn cung thị trường. Khu vực nội thành dẫn đầu với 850.000 m2, tương đương với 43% nguồn cung.

Về triển vọng, Savills dự báo đến hết năm 2023, khoảng 420.000 m² từ 18 dự án sẽ gia nhập thị trường, hầu hết thuộc hạng B với 230.000 m2. Các dự án đáng chú ý bao gồm Vinfast Tower và BRG Grand Plaza trong năm 2021, dự án 36 Cát Linh trong năm 2022, dự án Lotte Mall và 27-29 Lý Thái Tổ trong năm 2023. Nguồn cung tương lai đáng kể có thể khiến công suất thuê trung bình giảm đi trong hai năm tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác