Cụ thể, dự án do Công ty Cổ phần Phát triển hệ thống đậu xe thông minh En-Parking Japan đầu tư với tổng vốn hơn 161 tỷ đồng.
Dự án có nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.410m2, tổng số tầng đậu xe là 9 tầng (không bao gồm tầng mái) với chiều cao 21,8 m.
Tầng 1 được sử dụng làm sảnh tiếp đón và lối nhận/trả xe, từ tầng 2 – 9 dành để đậu xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ. Tổng số chỗ đậu ô tô của dự án là 168 xe.
Bãi giữ xe sử dụng hệ thống đậu xe thông minh bằng công nghệ robot tự động xếp xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ.
Đơn giá giữ xe dự kiến đối với xe ô tô theo giờ là 27.000 đồng/xe/giờ; theo ngày là 468.000 đồng/xe/ngày; theo tháng là 11,928 triệu đồng/chỗ/tháng và theo năm là 121,666 triệu đồng/chỗ/năm.
Dự kiến dự án có tiến độ thi công tối đa 14 tháng, thời gian khai thác công trình trong 30 năm và thời gian hồi vốn là 23 năm.
Mô phỏng bãi đỗ xe thông minh cao tầng tại TP. HCM
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết đã lấy ý kiến của các sở, ngành góp ý về dự án. Theo đó Sở Xây dựng, UBND quận 1 và Cục thuế thành phố đều thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư. Riêng Sở Tài chính thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư, nhưng yêu cầu nghiên cứu lại phí giữ ôtô và làm rõ phương án tài chính của dự án.
Còn Sở Quy hoạch kiến trúc cho rằng khu trung tâm đã được thành phố phê duyệt và khu đất phía sau nhà hát là đất công viên cây xanh, một công trình văn hóa lịch sử có giá trị quan trọng của thành phố, do đó, việc xây dựng tòa nhà để xe với quy mô 9 tầng là không phù hợp.
Ngoài dự án bãi đỗ xe tại Công trường Lam Sơn, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM còn kiến nghị làm bãi đỗ xe tại Công viên 23 tháng 9.
Sở cho biết hiện đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án gồm Liên danh các nhà đầu tư T-K-T (gồm Công ty Cô phần Tân Phát, công ty Cổ phần đầu tư Khai Thác Cảng và Công ty Cổ phần Thương mại, dịch vụ Thái Sơn) đề xuất thực hiện bãi đậu xe thông minh cao tầng lắp ghép. Hình thức đầu tư thuê đất, đầu tư xây dựng công trình với thời gian thuê 8-10 năm.
Công trường Lam Sơn - nơi được đề xuất xây bãi đỗ xe thông minh cao 9 tầng
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, nhu cầu đỗ xe tại thành phố rất lớn, tuy nhiên quỹ đất dành cho giao thông lại rất thấp. Đến hết năm 2016, thành phố có hơn 4.000 km đường giao thông, mật độ đạt 1,98km/km2; chỉ có gần 30ha dành cho bến bãi xe buýt, không có bến cho xe taxi (quy hoạch là 81ha cho xe buýt và 3ha cho xe taxi).
Trong khi đó, tính đến ngày 15/11/2016, thành phố đang quản lý hơn 7,8 triệu phương tiện, trong đó có có hơn 11.000 xe taxi, hơn 15.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ và 2.764 xe buýt hoạt động hàng ngày. Ngoài ra còn có hơn 1 triệu phương tiện của các tỉnh khác tham gia giao thông mỗi ngày.