Bất động sản

Sở Xây dựng TP. HCM ‘bất lực’ nhìn Thuận Việt gài bẫy người mua tại dự án New City?

(VNF) – New City là dự án nhà ở xã hội, sau đó Công ty Thuận Việt mua lại để làm thương mại. Tuy nhiên, khi thủ tục chuyển đổi chưa hoàn tất, doanh nghiệp này đã bán ồ ạt cho hàng nghìn người mua. Vì chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính nên doanh nghiệp này đã áp giá "tạm tính" cho khách.


Rao bán và ký hợp đồng rầm rộ nhưng dự án New City chưa hoàn tất chuyển đổi từ nhà ở xã hội sang thương mại

"Bánh vẽ" và tạm tính...

Theo thông tin của Sở Xây dựng TP. HCM, dự án New City mà Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt (sau đây gọi là Thuận Việt) đang chào bán rầm rộ trước đây vốn thuộc dự án tái định cư của TP. HCM để giải quyết vấn đề nhà ở cho những hộ dân bị giải phóng mặt bằng. New City đồng thời cũng là một phần trong khu chung cư Bình Khánh được chủ đầu tư Đức Khải xây dựng vào năm 2013.

Vì nhiều lý do khác nhau, dự án khi xây xong không có người tiếp nhận. Trước tình cảnh đó, UBND TP. HCM đã chấp thuận cho Thuận Việt mua lại để kinh doanh thương mại.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa thực hiện xong thủ tục để chuyển sang căn hộ thương mại. Tuy nhiên, Thuận Việt lại cố tình lờ đi các ràng buộc để công khai rao bán dự án.

Doanh nghiệp này đã tự ý đề ra bảng giá "tạm tính" để mời chào khách hàng. Theo các chuyên gia pháp lý, sự thiếu minh bạch trong ràng buộc "tạm tính" có thể khiến khách hàng thiệt đơn, thiệt kép. Nghĩa là sau khi ký vào hợp đồng giao dịch, Thuận Việt có thể đẩy giá lên cao hơn mức ký kết rất nhiều lần. Khách hàng dễ dàng rơi vào cảnh "đâm lao buộc phải theo lao".

Dự án New City có quy mô khoảng 1.300 căn hộ, hiện có khoảng 1.000 căn đã được bán ra thị trường. Mức giá bán được rao khoảng trên dưới 50 triệu/m2. Nhiều khách hàng cho rằng mức giá này có thể chấp nhận được vì vị trí đắc địa của dự án. Tuy nhiên, ít ai biết giá khách hàng mua trên hợp đồng chỉ là giá "dự kiến", nghĩa là mức giá này chủ đầu tư có thể tăng lên khi ký hợp đồng mua bán, chứ không cố định.

Hợp đồng giữa Thuận Việt và khách hàng có nhiều điều khoản mù mờ và chưa xác định giá bán căn hộ 

Lách luật trước "mũi" Sở Xây dựng?

Đáng chú ý, bảng tính giá căn hộ của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt chỉ ghi "Giá trị quyền sử dụng đất tạm tính". Đây là điều bất thường, chưa từng xảy ra trên thị trường căn hộ tại TP. HCM cũng như cả nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng TP. HCM cho biết dự án vẫn chưa nộp hồ sơ xác nhận đủ điều kiện huy động vốn và chưa qua định giá tiền sử dụng đất.

Sở Xây Dựng cũng cho biết Sở chưa có công văn cho phép mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Sở chưa xác định được giá trị quyền sử dụng đất của dự án.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, cho biết đến thời điểm tháng 3, Sở Xây dựng TP. HCM chưa xác nhận việc đủ điều kiện huy động vốn cho công ty Thuận Việt. Mặt khác ông Sơn cũng nhất quyết cho rằng công ty này chủ yếu ký hợp đồng với khách hàng dưới dạng đặt cọc và đặt chỗ chứ không phải ký hợp đồng mua bán.

Theo các chuyên gia pháp lý, bản chất của 2 việc này cuối cùng vẫn là thu tiền từ khách hàng. Không những vậy, Thuận Việt còn công khai đưa ra chính sách để "dụ" khách thanh toán đến 95% giá trị căn hộ, chỉ bằng việc ký kết thỏa thuận quyền mua căn hộ mà không cần phải qua hợp đồng mua bán.

Chủ đầu tư dự án New City vẫn huy động vốn rầm rộ trong thời gian qua. Đặc biệt là dù có nhiều cơ quan báo chí phản ánh, lãnh đạo Thuận Việt vẫn phớt lờ dư luận. Lực lượng sale vẫn đang ra sức tiếp thị căn hộ cho người mua. PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo doanh nghiệp nhưng bị từ chối trả lời. 

Luật sư Trần Đức Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt, cho biết nhiều khách hàng hiểu chưa chính xác khái niệm "huy động vốn" với "tiền mua trả trước" nên dẫn đến tình trạng mập mờ trong giao dịch mua bán nhà hình thành trong tương lai. 

Mặc dù Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 đã có sự phân biệt giữa "vốn góp" và "tiền mua", nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn lập lờ giữa 2 khái niệm này để đạt mục đích huy động vốn của mình.

Cũng theo luật sư Phượng, Điều 68 Luật Nhà ở 2014 quy định các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý. 

Do đó, khi ký hợp đồng về vốn (người góp vốn) hay hợp đồng mua bán (đối với người mua nhà), các chủ thể hợp đồng vừa phải tuân theo pháp luật dân sự, vừa phải chấp hành pháp luật về nhà ở. Hợp đồng phải đúng về hình thức thì mới không bị tuyên là giao dịch vô hiệu.


Tin mới lên