'Sống' nhờ cho vay: Mỗi nhà băng mỗi cảnh

Kình Dương - 19/02/2019 18:28 (GMT+7)

(VNF) - Có sự phân hóa khá rõ rệt về mức độ phụ thuộc vào hoạt động cho vay của các ngân hàng. Và cũng có sự khác biệt lớn trong định hướng cho vay ở nhiều ngân hàng: hướng đến an toàn hay hướng đến lợi nhuận.

VNF
'Sống' nhờ cho vay: Mỗi nhà băng mỗi cảnh

Cho vay lâu nay vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của mọi ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc ở mỗi ngân hàng mỗi khác.

Thống kê 14 ngân hàng niêm yết có tổng tài sản trên 100.000 tỷ (gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, MB, Sacombank, ACB, HDBank, SHB, Eximbank, VIB, LienVietPostBankTPBank) cho thấy, BIDV và VietinBank là hai ngân hàng phụ thuộc nhiều nhất vào hoạt động cho vay.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2018, dư nợ cho vay của BIDV chiếm tới 75% tổng tài sản. Con số này ở VietinBank là 74%. Đây cũng là hai ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất, theo đó có thu nhập lãi từ cho vay cao nhất, với BIDV là trên 988.000 tỷ đồng dư nợ và trên 75.000 tỷ đồng thu nhập lãi, trong khi ở VietinBank lần lượt là trên 864.000 tỷ đồng và trên 61.609 tỷ đồng.

Nhìn chung, tỷ trọng cho vay trên tổng tài sản của các ngân hàng đa phần từ 67% đến 69%. Cụ thể, thống kê cho thấy có tới 6 ngân hàng ghi nhận tỷ trọng cho vay trong dải này, bao gồm: ACB (69%), VPBank (68%), SHB (67%), LienVietPostBank (68%), Eximbank (68%) và VIB (69%).

Thấp hơn một chút là Sacombank với 63%. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ trọng cho vay của Sacombank thậm chí còn lớn hơn các ngân hàng trên, bởi còn một lượng lớn dư nợ ẩn mình trong các khoản phải thu và lãi dự thu (tổng cộng lên tới trên 46.800 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản).

Trong nhóm này, "lạ" nhất là trường hợp của VPBank. Mặc dù xếp sau Sacombank và ACB về dư nợ cho vay nhưng thu nhập lãi từ cho vay của ngân hàng này lại vượt trội, đạt 34.527 tỷ đồng năm 2018, so với 23.287 tỷ đồng của Sacombank và 20.470 tỷ đồng của ACB. Nguyên nhân là bởi một lượng lớn dư nợ cho vay của VPBank là cho vay tiêu dùng, có lãi suất cao hơn nhiều so với cho vay truyền thống.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 của các ngân hàng

Một điểm cũng rất đáng chú ý khác là Vietcombank và Techcombank - 2 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống năm 2018 lại trong nhóm ít phụ thuộc nhất vào hoạt động cho vay. Với Vietcombank, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản ở mức 59%, trong khi của Techcombank chỉ 50%, thấp nhất trong 14 ngân hàng.

Tất nhiên, không phải ít phụ thuộc nhất vào hoạt động cho vay là tốt, không phải phụ thuộc nhiều là xấu và mức độ phụ thuộc không quyết định lợi nhuận ngân hàng, bởi còn rất nhiều yếu tố chi phối khác như biên lợi nhuận, thu nhập ngoài cho vay, chi phí hoạt động, tỷ lệ trích lập dự phòng...

Với Techcombank, sở dĩ tỷ lệ dư nợ cho vay thấp là bởi ngân hàng này đã sử dụng phần lớn dư địa dư nợ tín dụng được cấp (Ngân hàng Nhà nước giao được phép tăng tối đa 20% trong năm 2018) để mua trái phiếu doanh nghiệp, thay vì tăng dư nợ cho vay khách hàng. Tính đến hết năm 2018, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà Techcombank nắm giữ lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng.

Đây là hướng đi đặc biệt của Techcombank, phần vì muốn giữ chân và hợp tác cộng sinh với khách hàng lớn đang bán trái phiếu, phần vì biên lợi nhuận mảng trái phiếu doanh nghiệp thường lớn hơn cho vay khách hàng truyền thống, thêm vào đó là khoản lợi nhuận lớn từ hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Một số ngân hàng khác có tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản dưới 60% có thể kể đến như: MB (59%), HDBank (57%) và TPBank (57%).

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 của các ngân hàng

Bên cạnh mức độ phụ thuộc, còn một khía cạnh khác rất đáng lưu tâm đối với hoạt động cho vay của ngân hàng, đó là cơ cấu cho vay, cho phép định hình được lựa chọn chiến lược của ngân hàng trong hoạt động cho vay.

Ngân hàng càng tập trung vào nợ ngắn hạn, càng ít rủi ro nhưng cũng phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn. Thời gian cho vay càng dài, biên lợi nhuận càng cao nhưng đi kèm là rủi ro cũng càng cao, phần bởi rủi ro lệch hạn (do tiền huy động ở mọi ngân hàng đại đa số là tiền gửi ngắn hạn), phần bởi thời gian càng dài càng dễ có nhiều biến cố.

Thống kê cho thấy, hầu hết các ngân hàng "nổi đình nổi đám" cả thập kỷ qua vẫn đang chọn hướng an toàn, đó là BIDV (với tỷ trọng nợ ngắn hạn đạt 62%), VietinBank (56%), Vietcombank (54%), Sacombank (48%), ACB (58%), MB (49%).

HDBank là trường hợp ngân hàng mới nổi vài năm trở lại đây cũng lựa chọn hướng này với tỷ trọng nợ ngắn hạn khá cao, 55%. Trong khi đó, SHB và Eximbank có phần trung tính với tỷ lệ lần lượt là 41% và 44%.

Techcombank và VPBank, 2 "thế lực" gần đây chọn hướng thiên về lợi nhuận với tỷ trọng nợ ngắn hạn lần lượt 38% và 33%. Chấp nhận rủi ro nhiều hơn nữa là LienVietPostBank, TPBank và VIB với lần lượt 30%, 23% và 15%.

Cùng chuyên mục
Tin khác