Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Trung Quốc từ bỏ 'zero-Covid', EU hợp sức áp giá trần dầu Nga

(VNF) - Tuần qua, Trung Quốc đã đi tới một trong những quyết định lịch sử trong việc đối phó với đại dịch, khi thực hiện 10 quy tắc phòng dịch mới và dần từ bỏ chính sách "zero-Covid" gây tranh cãi trong thời gian gần đây.

Thế giới tuần qua: Trung Quốc từ bỏ 'zero-Covid', EU hợp sức áp giá trần dầu Nga

Ảnh minh hoạ.

Trung Quốc từ bỏ “zero-Covid”

Ngày 7/12, Trung Quốc đã công bố những thay đổi sâu rộng nhất đối với chính sách phòng dịch “zero-Covid” cứng rắn của nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây 3 năm.

Theo đó, chính quyền Trung Quốc đã công bố 10 biện pháp mới đối phó với dịch Covid-19. Các biện pháp này bao gồm cho phép cách ly những người nhiễm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà và bỏ xét nghiệm đối với những người đi du lịch trong nước, là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho 1,4 tỷ người dân của mình sống chung với căn bệnh này.

Chính quyền Trung Quốc cũng cho biết, trừ khi một khu vực được chỉ định là có rủi ro cao, công việc và sản xuất tại địa phương không thể bị dừng lại.

Cũng theo các biện pháp được công bố, ngoài các cơ sở như nhà hưu trí, trường tiểu học và trung học cơ sở và phòng khám sức khỏe, các địa điểm khác không được yêu cầu xét nghiệm virus âm tính hoặc kiểm tra mã sức khỏe (mã QR).

Mặc dù biên giới quốc gia hầu như vẫn đóng cửa, nhưng người dân nước này đã vô cùng kỳ vọng vào viễn cảnh về một sự thay đổi giúp ​​Trung Quốc từ từ trỗi dậy trở lại sau 3 năm kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát ở thành phố Vũ Hán, miền trung nước này.

Các nhà phân tích cũng hoan nghênh sự thay đổi có thể vực dậy nền kinh tế và tiền tệ đang xuống dốc của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Sự thay đổi chính sách này là một bước tiến lớn. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ mở lại hoàn toàn biên giới không muộn hơn giữa năm 2023".

Indonesia thông qua luật cấm QHTD ngoài hôn nhân

Ngày 6/12, Quốc hội Indonesia đã thông qua bộ luật hình sự sửa đổi, trong đó có các điều khoản gây nhiều tranh cãi như cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hay coi việc sống chung của những cặp đôi chưa kết hôn là phạm pháp.

Theo đó, người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ bị phạt tù tối đa 1 năm hoặc bị phạt 10 triệu rupiah (khoảng 640 USD). Người có hành vi sống thử sẽ chịu phạt 6 tháng tù không giam giữ hoặc nộp phạt 10 triệu rupiah.

Tuy nhiên, chỉ có cha mẹ, vợ chồng, hoặc con cái của người vi phạm mới có quyền tố cáo họ lên các cơ quan pháp luật.

Bộ luật mới sẽ có hiệu lực sau ba năm và áp dụng cho công dân Indonesia, người nước ngoài sinh sống ở quốc gia này cũng như du khách. Truyền thông Australia, nước gần Indonesia, đã đưa tin rộng rãi về điều luật này và một số tờ báo còn gọi đây là "lệnh cấm sex ở Bali".

Một số chuyên gia lo ngại việc thông qua luật mới sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch của quốc gia này, do nhiều du khách nước ngoài tỏ ra quan ngại khi muốn đến Indonesia, bao gồm cả hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali.

Trần giá dầu Nga chính thức có hiệu lực

Ngày 5/12, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.

Quốc gia duy nhất được miễn trừ khỏi biện pháp trừng phạt mới, như thường lệ, là Hungary. Đây là là một trong những quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga. Nước này đã chứng kiến ​​chi phí nhập khẩu dầu và khí đốt tăng lên từ mức 4 tỷ USD vào năm 2019 lên khoảng 19 tỷ USD trong năm nay, theo dữ liệu của chính phủ Hungary.

Biện pháp này cho phép dầu của Nga được vận chuyển đến các nước thứ ba bằng cách sử dụng tàu chở dầu của G7 và EU, các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng, chỉ khi hàng hóa được mua bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Bởi vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới hầu hết có trụ sở tại các nước G7, mức trần này có thể khiến Moscow khó bán dầu với giá cao hơn.

Trước sức ép từ phía phương Tây nhằm đánh vào doanh thu từ mặt hàng quan trọng hàng đầu, Nga đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia tuân theo mức giá trần này.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak dự đoán rằng giá trần sẽ “làm mất ổn định” thị trường toàn cầu và lập luận rằng nó mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông nói Nga đang “làm việc trên các cơ chế” để vượt qua biện pháp này, kể cả có phải thu hẹp sản xuất hay cắt giảm sản lượng.

Thậm chí, theo nguồn tin của Bloomberg, Moscow đã bắt đầu soạn thảo một nghị định nhằm cấm bán dầu cho các quốc gia tuân theo trần giá.

Tổng thống Ukraine là “Nhân vật của năm” 2022

Ngày 7/12, Tạp chí TIME đã vinh danh ông Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine là "Nhân vật của năm 2022" trước những nỗ lực của ông và "tinh thần Ukraine" lan toả khắp thế giới trong suốt quãng thời gian xảy ra chiến sự với Nga.

"Cho dù trận chiến ở Ukraine khiến người ta tràn ngập hy vọng hay sợ hãi, thì Volodymyr Zelensky đã khích lệ thế giới theo cách mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ", ông Edward Felsenthal, tổng biên tập của TIME giải thích. 

Theo tờ tạp chí Mỹ, trong những tuần sau khi Nga "động binh" với Ukraine, quyết định không chạy trốn khỏi thủ đô Kiev mà ở lại và tập hợp sự ủng hộ của ông Zelensky là "định mệnh".

“Từ bài đăng đầu tiên dài 40 giây trên Instagram vào ngày 25/2, cho thấy Nội các và xã hội dân sự của ông ấy vẫn nguyên vẹn và đúng vị trí, cho đến các bài phát biểu hàng ngày được gửi từ xa tới các cơ quan như Nghị viện, Ngân hàng Thế giới và Giải Grammy, Tổng thống Ukraine ở khắp mọi nơi”, tờ tạp chí giải thích về mức độ phổ biến của Tổng thống Ukraine trong năm. 

Từng bị nghi ngại khi kinh nghiệm trong chính trường còn ít và từng là diễn viên trước khi trở thành Tổng thống Ukraine vào tháng 4/2019, ông Zelensky đã chứng minh cho cả thế giới thấy "tinh thần Ukraine" đầy bất khuất trong suốt quãng thời gian xảy ra chiến sự từ đầu năm. 

“Vì đã chứng minh rằng lòng can đảm có thể lây lan như nỗi sợ hãi, vì đã khuyến khích mọi người và các quốc gia cùng nhau bảo vệ tự do, vì đã nhắc nhở thế giới về sự mong manh của nền dân chủ – và của hòa bình – Volodymyr Zelensky và tinh thần Ukraine là "Nhân vật của năm 2022" của TIME”, Tổng biên tập Felsenthal nói.

Trước ông Zelensky, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk được TIME vinh danh là "Nhân vật của năm" cho năm 2021. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng được TIME vinh danh là nhân vật của năm vào năm 2007.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trên trang bìa tạp chí TIME. 

 

Đường ống dẫn dầu lớn nhất từ Canada tới Mỹ gặp sự cố 

Ngày 8/12, Tập đoàn năng lượng TC Energy của Canada thông báo đã tạm ngừng vận hành đường ống Keystone có công suất vận chuyển 622.000 thùng dầu thô/ngày và đang ứng phó với sự cố rò rỉ dầu vào một nhánh sông cách thành phố Steele thuộc bang Nebraska của Mỹ khoảng hơn 32 km về phía Nam.

Vụ rò rỉ xảy ra cuối ngày 7/12, làm tràn hơn 14.000 thùng dầu vào một con lạch ở Kansas, và được coi là vụ tràn dầu thô lớn nhất ở Mỹ trong gần một thập kỷ. Mặc dù nguyên nhân cụ thể chưa được xác minh, nhưng đây là lần thứ 3 đường ống Keystone bị rò rỉ kể từ khi được khai trương vào năm 2010.

Theo TC Energy, đường ống sẽ ngừng hoạt động cho tới khi sự cố được khắc phục hoàn toàn.

Đường ống Keystone vận chuyển dầu thô của Canada từ tỉnh bang Alberta đến vùng Trung Tây nước Mỹ và tới khu vực ven biển vùng Vịnh. Đường ống này là một "mắt xích" then chốt trong mạng lưới xuất khẩu dầu thô của Canada và là đường ống dẫn dầu lớn nhất nối từ Canada đến Mỹ.

Các nhà phân tích và giới đầu tư cho rằng sự cố ngừng hoạt động trên đường ống dẫn dầu này có thể ảnh hưởng đến lượng dầu tồn kho tại một trung tâm lưu trữ dầu quan trọng của Mỹ ở Cushing, Oklahoma và cắt giảm nguồn cung dầu thô cho hai trung tâm lọc dầu của nước này.

Tổng thống Peru bị lật đổ

Ngày 7/12, với 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng, Quốc hội Peru đã thông qua quyết định phế truất Tổng thống Pedro Castillo trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất suốt hơn 2 thập kỷ qua.

Cảnh sát Quốc gia Peru (PNP) ngay sau đó đã thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Castillo và cựu Thủ tướng Anibal Torres.

Sau khi ông Castillo bị phế truất vài giờ, Phó Tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời tại trụ sở Quốc hội Peru. Bà Boluarte là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của quốc gia Nam Mỹ.

Trước đó cùng ngày, ông Castillo đã bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội Peru, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Tuy nhiên, hành động của nhà lãnh đạo này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Cơ quan bảo vệ nhân dân và nhiều nghị sĩ Peru kịch liệt phản đối, coi đây là một vụ “đảo chính”.

Trong 1 năm rưỡi nắm quyền, ông Castillo đã phải thay đổi và bổ nhiệm tới 5 Thủ tướng và liên tục vướng phải những cuộc xung đột với cơ quan lập pháp. Chính trị gia cánh tả này cũng bị cơ quan công tố điều tra sơ bộ trong 6 vụ việc liên quan tới cáo buộc tham nhũng.

Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm, một tổng thống Peru tuyên bố giải tán Quốc hội. Năm 2019, Tổng thống lúc bấy giờ Martín Vizcarra đã giải tán Quốc hội, kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp, nhưng một năm sau đó, ông đã bị Quốc hội mới cách chức.

Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk bị phân tâm bởi Twitter, Tesla chồng chất rắc rối

Tin mới lên