Thị trường dầu kém lạc quan khi Nga và OPEC chuẩn bị tăng nguồn cung trở lại

Minh Khuê - 03/06/2018 09:16 (GMT+7)

(VNF) - Các quỹ phòng vệ ghi nhận mức độ lạc quan về giá dầu thô thấp nhất trong 7 tháng qua. Nguyên nhân là do sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng kỷ lục, trong khi Saudi Arabia và Nga cũng báo hiệu sẵn sàng tăng cung dầu sau hơn một năm kiềm chế sản lượng.

VNF
Thị trường dầu kém lạc quan khi Nga và OPEC chuẩn bị tăng nguồn cung trở lại

Joseph Bozoyan, nhà quản lý danh mục đầu tư của Manulife Asset Management LLC tại Boston, cho biết: “Thật khó có thể thực sự phấn khởi về giá dầu trong ngắn hạn, trong bối cảnh sản lượng của Mỹ tăng mạnh, phá vỡ kỷ lục mỗi tuần. Các quỹ đầu tư hồi đầu năm nay đã từng rất kỳ vọng giá dầu sẽ có thể đạt 100 USD/thùng. Thế nhưng bất ngờ là Saudi Arabia và Nga lại đang thảo luận về việc tăng nguồn cung sớm hơn dự kiến, và điều này có thể sẽ khiến giá dầu quay đầu giảm”. Tổng sản lượng dầu của ba quốc gia này cung cấp chiếm đến gần một phần ba nguồn cung toàn cầu.

Vị thế mua ròng giảm xuống thấp nhất trong 7 tháng qua

OPEC và các đồng minh sẽ họp vào cuối tháng 6 này sau khi Saudi Arabia và Nga – hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đang cân nhắc việc tăng trở lại sản lượng khi thỏa thuận hạn chế nguồn cung dầu để đẩy giá lên năm 2016 dường như đã đạt được mục tiêu. Trên thực tế, Gazprom – tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga, đã thử nghiệm năng lực sản xuất để chuẩn bị cho một sự trở lại. Trước đó, các Bộ trưởng năng lượng từ Ả Rập Saudi, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Kuwait lên kế hoạch gặp nhau hôm thứ Bảy tuần này.

Mark Watkins, người giúp giám sát 151 tỷ USD tại bộ phận quản lý tài sản Ngân hàng Mỹ, cho biết: "Nếu cuộc đối thoại tới đây giữa các Bộ trưởng thể hiện rõ khả năng các quốc gia đang chuẩn bị kết thúc thỏa thuận cắt giảm sản lượng, bạn có thể thấy niềm tin giá tăng của nhà đầu tư sẽ giảm bớt, khi cùng một lúc có quá nhiều dầu đổ vào thị trường”.

Quyết định của OPEC sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường dầu thô kỳ hạn, vốn đang giao dịch ở một mức giá mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng “bị bàn tay của OPEC đẩy lên rất cao”. Trong lúc đó, Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với các yêu cầu về việc thiết lập mức giá trần cho xăng và dầu diesel. Còn ở Brazil, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi các lái xe tải đình công, biểu tình do chi phí nhiên liệu tăng quá cao, khiến cho CEO của tập đoàn xăng dầu quốc gia phải nộp đơn xin từ chức.

Các quỹ đầu cơ giảm vị trí mua ròng đối với dầu thô WTI khoảng 14%, xuống 324,235 hợp đồng trong tuần qua, theo Ủy ban giao dịch Hàng hóa tương lai Hoa Kỳ. Số lượng vị thế mua giảm 10%, trong khi số vị thế bán tăng 29% lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.

Trong khi đó, ở một số mỏ dầu đá phiến quan trọng của nước Mỹ như Permian Basin, tình trạng ùn ứ các đường ống dẫn là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng dầu của Hoa Kỳ chững lại. ConocoPhillips, nhà thám hiểm dầu độc lập lớn nhất thế giới, thậm chí còn đề xuất phương án rút khỏi khu vực này cho đến khi vấn đề về vận chuyển dầu khai thác được giải quyết. Hiện tại đã là mùa sản xuất xăng dầu chính trong năm, tuy nhiên số liệu của Hoa Kỳ chưa cho thấy một đợt giảm mạnh dầu thô tồn kho như mọi năm.

Sản lượng dầu thô Mỹ đạt kỷ lục

Bill O’Grady, giám đốc chiến lược thị trường tại Confluence Investment Management ở St. Louis, cho biết: “Nếu bạn định đầu tư vào dầu thô ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ phải đặt cược vào việc hàng tồn kho còn đang rất lớn, và nguy cơ giảm giá dầu khi OPEC cung cấp trở lại. Ở Hoa Kỳ, khi công nghệ được cải tiến, bạn còn phải chịu thêm nguy cơ giá bị đẩy xuống mức giá hòa vốn”.

Vị thế mua ròng dầu thô Brent giảm 9,9%, xuống còn 451,996 hợp đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017, theo dữ liệu ICE Futures Europe hàng tuần về hợp đồng tương lai và quyền chọn cho thấy.

Trên thị trường nhiên liệu, các nhà quản lý tiền tệ đã giảm vị thế ròng xăng Mỹ của mình xuống 10%, trong khi vị thế ròng dầu diesel giảm khoảng 0,1%.

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác