Bất động sản

Thu hồi 3 dự án BT: Him Lam ‘tuột tay’ hàng trăm ha đất vàng Thủ đô 

(VNF) - Hà Nội vừa “khai tử” 82 dự án BT (theo hình thức xây dựng – chuyển giao), đáng chú ý trong đó có 2 dự án BT thuộc Công ty Cổ phần Him Lam của đại gia Dương Công Minh; đồng nghĩa với việc, hàng trăm ha đất vàng của Thủ đô đã không rơi vào tay “ông trùm” địa ốc này.

Thu hồi 3 dự án BT: Him Lam ‘tuột tay’ hàng trăm ha đất vàng Thủ đô 

“Điểm danh” 3 dự án BT của Him Lam bị “khai tử”

Đầu tiên phải nhắc đến dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2011. Sau đó, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức BT, rồi giao cho Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án.

Nếu thực hiện dự án này, dự kiến quỹ đất Him Lam được nhận có diện tích lên tới 440ha, trải rộng trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 3.597 tỷ đồng, bao gồm một cầu với bề rộng mặt cắt ngang 19,2m và các đường dẫn hai đầu cầu. Dự án đã triển khai thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Ngay trong giai đoạn 1 này, dự án cũng đã thực hiện toàn bộ giải phóng mặt bằng, vì thế, giai đoạn 2 chỉ xây dựng một cây cầu khác tương tự với tổng chiều dài là 3.504m và cách mép cầu cũ 2m. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, đến năm 2017, UBND TP. Hà Nội nhận thấy bất cập và quyết định chuyển dự án sang hình thức đầu tư công và Him Lam cũng âm thầm rút lui tại thương vụ BT này.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoan 2 (vạch đỏ) sẽ được xây dựng song song với cầu cũ 

Mới đây nhất, UBND TP. Hà Nội tiếp tục “khai tử” thêm 2 dự án khác của Him Lam đó là Dự án Vành đai 3,5 và dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng.

Dự án Vành đai 3,5 được thiết kế thành nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long theo hình thức BT (quy mô cầu vượt và đảo xoay 3 tầng). Dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.

Nếu thực hiện dự này, Him Lam sẽ được thanh toán bằng 320 ha đất nằm trong quy hoạch phân khu đô thị N10, thuộc địa bàn các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn, Phúc Lợi thuộc quận Long Biên và xã Cổ Bi, Đông Dư thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Trong khi đó, Dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng có tổng chiều dài khoảng 3km, rộng 20m, có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu được phê duyệt dự án, Him Lam sẽ nhận khoảng 600ha đất tại các xã Đông Dư, Gia Lâm (78ha), xã Dương Xá, Gia Lâm (34ha); quỹ đất nằm ở các phường Cự Khối, Long Biên thuộc quận Long Biên; quỹ đất nằm ở bãi đất ngoài sông Hồng có thể khai thác đầu tư nằm trong phạm vi được quy hoạch tới mép nước; quỹ đất nằm khu vực phường Cự Khối và Long Biên với tổng diện tích khoảng 320ha.

Như vậy, nếu được thực hiện 3 dự án BT trên, sẽ có hàng nghìn ha đất vàng tại Thủ đô sẽ rơi vào tay Him Lam của đại gia Dương Công Minh.

Dự án BT nút giao Long Biên “vênh” thực tế 1.000 tỷ

Dù để lỡ 3 dự án BT trên nhưng trước đó, Him Lam đã “nhanh chân” hoàn tất cho Hà Nội dự án BT nút giao thông trung tâm quận Long Biên (tên cũ là nút giao thông Cầu Chui).

Theo đó, dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 2.874 tỷ, đổi lại công ty được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 20 ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320 ha đất tại các phường Long Biên và Cự Khối thuộc quận Long Biên và 135 ha đất bãi sông Hồng.

Như vậy, tổng quỹ đất phát triển đô thị của Him Lam ở khu vực này khoảng 475 ha, gấp gần 2 lần tổng quỹ đất mà Him Lam đã và đang triển khai ở 30 dự án (tính đến năm 2017).

Nút giao Long Biên bị kiểm toán xác nhận "chênh" tới 1.079,3 tỷ đồng

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này. Cụ thể, về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, khối lượng dự toán bước thiết kế kỹ thuật chưa chính xác; công tác điều tra, khảo sát giải phóng mặt bằng không chính xác; công tác điều chỉnh giá tại các gói thầu do biến động giá, chưa được nhà đầu tư và các nhà thầu thực hiện theo quy định của các hợp đồng xây lắp…

Kiểm toán kết luận: “Tổng mức đầu tư báo cáo dự án là 2.379,7 tỷ đồng, nhưng qua kiểm tra, giá trị KTNN xác nhận chỉ 1.300,4 tỷ đồng, chênh đến 1.079,3 tỷ đồng”.

Trao đổi với VietnamFinance về những bất cập này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: “Vừa qua, Quốc hội “túyt còi” các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) là đúng. Bởi thực tế,  không có “cuộc đổi chác” nào là ngang giá cả. Vấn đề định giá ở các dự án BT thì Nhà nước đang thiệt cả hai đầu, còn chủ đầu tư thì lợi cả đôi đường.

Thông qua kiểm toán mới thấy rằng hầu như tất cả dự án đều bị đẩy giá lên nhiều lần so với giá trị thực. Còn giá trị đất đối ứng thì đa phần là không theo đấu giá, không định giá được theo giá trị thực tế trên thị trường. Đặc biệt là khi mảnh đất đó ở vị trí “đắc địa”, dẫn tới việc những mảnh đất "vàng" bị rơi vào tay các chủ đầu tư”.

Dương Công Minh - đại gia kín tiếng

Là một trong những đại gia top đầu Việt Nam nhưng ông Dương Công Minh vẫn được cho là kín tiếng trên thị trường bất động sản và tài chính.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, ông Dương Công Minh còn có biệt danh Minh Him Lam (trước đó là biệt danh Minh Xoài - bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990).

Ông Minh là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam nhưng cũng Chủ tịch ngân hàng Sacombank. Trước đó, ông cũng được biết đến với vai trò là nhà sáng lập, Chủ tịch ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giai đoạn 2008 – 2017.

Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/5/1960 (Canh Tý) tại Quế Võ, Bắc Ninh trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1984, ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng làm sỹ quan trong quân đội và có hơn 10 năm đảm nhiệm nhiều vị trí trong Bộ Quốc phòng.

Công ty cổ phần Him Lam được thành lập ngày 1/9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam. Thời sơ khai chỉ là một công ty kinh doanh địa ốc, đến nay Him Lam đã trở thành công ty lớn với tài sản trị giá hàng tỷ USD.

Hiện tại, Him Lam là "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương khác.

Him Lam có vốn 6,5 nghìn tỷ đồng (trong đó ông Minh sở hữu 99%), đầu tư và xây dựng ngót nghét 100 dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch với một số dự án lớn như: Him Lam Tân Hưng (quận 7, TP. HCM), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, sân golf Long Biên, sân golf Tân Sơn Nhất, dự án BT nút giao thông Long Biên, khai thác quỹ đất 20ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên, và 135ha đất bãi sông Hồng.

Đáng chú ý, Him Lam cũng là ông chủ của dự án sân golf Tân Sơn Nhất với diện tích 157ha.

Tin mới lên