Thủ tướng Olaf Scholz: Nga nên được trao cơ hội làm ăn với Đức khi kết thúc chiến sự Ukraine

Thuỷ Bình - 13/12/2022 15:12 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết một khi Nga chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, nước này nên được trao cơ hội làm ăn với Đức một lần nữa. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với điều kiện Moscow không giành được chiến thắng trong cuộc xung đột quân sự.

VNF
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Đức khẳng định rằng hiện tại vẫn chưa phải thời điểm để nối lại quan hệ làm ăn với Moscow.

"Hiện tại, các mối quan hệ mà chúng ta có đang bị thu hẹp lại", ông Scholz cho biết tại một cuộc họp của Ủy ban doanh nghiệp Đức (OA) diễn ra tại Berlin hôm 12/12.

EU hiện đang "thắt chặt các biện pháp trừng phạt", nhưng Nga sẽ vẫn là quốc gia lớn nhất trên lục địa châu Âu sau khi cuộc xung đột được giải quyết. “Do đó, điều rất quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị cho thời điểm này”, thời báo Zeit trích lời Thủ tướng Đức hôm 12/12.

Ông nói với Ủy ban doanh nghiệp rằng Nga không được thắng “và người Nga cũng sẽ không thắng được”.

Việc Berlin quyết tâm từ bỏ nhập khẩu năng lượng của Nga, chủ yếu do các đối tác trong liên minh Xanh thúc đẩy, đã tạo ra rắc rối cho Đức ngay cả trước khi việc vận chuyển khí đốt bị gián đoạn do vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9. Người Đức hiện đang cố gắng bù đắp sự thiếu hụt từ các nguồn cung khác, mặc dù không thành công.

Trong một nỗ lực gần nhất vào tuần trước, cơ quan quản lý mạng lưới khí đốt BNetzA của Đức đã yêu cầu các hộ gia đình và công ty giảm sưởi ấm khi quốc gia này cố gắng bảo tồn nguồn cung trong cuộc khủng hoảng năng lượng, theo Bloomberg. Cơ quan quản lý trước đó cho biết Đức cần cắt giảm ít nhất 20% mức tiêu thụ khí đốt để giúp bù đắp tổn thất nguồn cung từ Nga.

Trong một diễn biến liên quan tuần trước, người tiền nhiệm của ông Scholz là cựu Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận rằng thỏa thuận Minsk năm 2014 không nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Donbass, mà để "cho Ukraine thời gian" vũ trang chống lại Nga.

Tổng thống Putin cho biết ông thất vọng trước sự thừa nhận của bà Merkel và niềm tin giữa Moscow và Berlin hiện “gần như bằng 0”.

Trước đó, Nga đã gửi quân vào Ukraine vào ngày 24/2, với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, được xây dựng nhằm trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk vị thế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.

Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa Donbass là các quốc gia độc lập và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Trái lại, Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ.

Cuộc chiến hiện đang ngày càng tiến gần mốc 300 ngày với tổn thất ngày càng lớn cho cả Moscow lẫn Kiev.

Xem thêm >> Tìm nguồn cung thay thế Nga, Đức ký thỏa thuận mua khí đốt 15 năm với Qatar

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác