Bất động sản

Thúc đẩy công trình xanh: Cần làm gì để vượt qua rào cản?

(VNF) - Có 3 lý do dẫn đến thực trạng chuyển đổi công trình xanh tại Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực: chi phí cao, khách hàng chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và thiếu các chính sách hỗ trợ.

Thúc đẩy công trình xanh: Cần làm gì để vượt qua rào cản?

Dự án căn hộ Diamond Lotus Riverside tại TP. HCM đạt chứng chỉ công trình xanh LEED

Người tiêu dùng băn khoăn, chủ đầu tư cân nhắc

Ông Vũ Tuấn Linh, Phó giám đốc HUDLAND, chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp Bắc Ninh, cho biết: “Dự án nhà thu nhập thấp Bắc Ninh là nhà giá rẻ, chi phí đầu tư thấp, nhưng chúng tôi tập trung nhiều vào giải pháp thiết kế kiến trúc, bố trí các không gian xanh và sử dụng các thiết bị, vật liệu xanh, chú trọng đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Dự án nhà thu nhập thấp Bắc Ninh là dự án đầu tiên và duy nhất trên địa bàn được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cấp chứng nhận công trình xanh Egde”.

Nhiều cư dân chuyển về dự án đã vui mừng khi các căn hộ đều ngập tràn ánh sáng và thông gió tự nhiên, thoáng mát. Bên cạnh các khu chức năng bắt buộc như phòng sinh hoạt chung, hệ thống kỹ thuật phụ trợ còn được đầu tư khu bể bơi trên mái nhà để xe, tạo nên tiện ích và cảnh quan hấp dẫn. Đặc biệt, dự án được đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời hiện đại trên mái, giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình vận hành, góp phần giảm giá dịch vụ, đồng thời tăng tiện ích, nâng cao chất lượng sống cho cư dân.

Dẫu vậy theo ông Linh, chủ đầu tư phải chịu thiệt hơn về lợi nhuận mà điều này thì cư dân khó mà hiểu nổi và chia sẻ. “Dự án này triển khai xây dựng trong bối cảnh lợi nhuận dự án không được quá 10%, việc sử dụng giải pháp thiết kế xanh và sử dụng vật liệu xanh làm tăng chi phí đầu tư xây dựng. Tuy gặp khó khăn nhưng HUDLAND áp dụng những giải pháp sáng tạo từ thiết kế đến sử dụng vật liệu xanh cho người thu nhập thấp có thể tiếp cận”, ông Linh nói. 

Còn đại diện của Ban Nghiên cứu & Phát triển của Capital House cho hay, EcoLife Capitol là một dự án rất tâm huyết của Tập đoàn Capital House. Dự án đã nhận 4 chứng chỉ xanh, trong đó có 2 chứng chỉ EDGE cho giai đoạn thiết kế và chứng chỉ xanh giai đoạn hoàn công.

Để giữ đúng các tiêu chí công trình xanh cho tới thời điểm bàn giao, chủ đầu tư luôn phải làm đúng như cam kết ban đầu dù trong quá trình triển khai, chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Ví dụ với dự án EcoLife Capitol, thiết kế ban đầu không dùng tường cách nhiệt cho phía tây nhưng khi thi công thấy bức tường này sẽ hấp thụ nhiệt rất lớn nên chủ đầu tư đã đề xuất và nghiên cứu sử dụng biện pháp cách nhiệt tường.

“Các căn hộ tòa A2 của EcoLife Capitol phía tây hứng nắng nhiều, chúng tôi đã quyết định bỏ thêm hơn 3 triệu đồng làm biện pháp cách nhiệt cho mỗi căn hộ để đảm bảo xanh mát. Nếu làm một phép tính đơn giản, tập đoàn đã bị đội thêm một chi phí không nhỏ khi áp dụng tường này cho 34 tầng. Hay như mật độ diện tích sử dụng ở EcoLife Capitol chỉ 38,5%, thấp hơn so với quy định là 40%. Thực sự, muốn làm được công trình xanh thì chủ đầu tư phải hy sinh lợi nhuận ở một mức nào đó”, vị đại diện này chia sẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh lợi nhuận, dành nhiều tâm huyết để phát triển công trình xanh vẫn còn khiêm tốn và ít ỏi. Nhiều doanh nghiệp lớn, được đánh giá cao về uy tín và vị thế trong lĩnh vực đầu tư phát triển thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa quan tâm về lĩnh vực này.

“Khó khăn là rào cản nhận thức của người tiêu dùng. Họ phải hiểu về công trình xanh và tầm quan trọng thì mới chấp nhận mua nhà với giá đương nhiên phải cao hơn thông thường. Nếu chủ đầu tư đưa ra sản phẩm xanh nhưng người tiêu dùng không coi trọng thì e là khó bán được hàng, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch, dòng vốn của của doanh nghiệp”, chị Hà Minh, giám đốc phát triển dự án của Công ty xây dựng Trường Minh (quận 6, TP. HCM) chia sẻ.

Để vượt qua rào cản

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay có khoảng hơn 300 công trình với tổng diện tích khoảng 7 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh, đây vẫn là con số khiêm tốn. Tại sự kiện "Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023" diễn ra tại TP. HCM sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, phát triển các công trình xanh là mục tiêu quan trọng, sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.

công trình xanh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại sự kiện "Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023"

Điều này thể hiện ở các yếu tố: tích hợp các yếu tố xanh trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành, phát triển các giải pháp, công nghệ, kỹ thuật xanh trong công tác quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng, vận hành công trình; tạo sức cầu để thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các sản phẩm, vật liệu xây dựng, trang thiết bị trong công trình đáp ứng tiêu chí tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường; phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, nhân lực tư vấn và thi công xây lắp, quản lý công trình xây dựng đáp ứng các yêu cầu về xanh.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng chia sẻ một số giải pháp mà Bộ Xây dựng sẽ triển khai để các chủ đầu tư vượt qua rào cản, thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng, đó là thời gian tới Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư các công trình xanh, dự án đô thị xanh, sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, nhà và công trình, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để đưa ra các quy định, yêu cầu kỹ thuật, định mức, đơn giá hỗ trợ, thúc đẩy các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, nước, đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường của các công trình xây dựng, giảm tác động tiêu cực đến tự nhiên trong quá trình xây dựng, hoạt động của công trình.

“Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế, đơn vị đánh giá, chứng nhận công trình xanh để triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng cho các công trình, dự án xây dựng xanh. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan về các nội dung liên quan đến lập, quản lý dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh”, Thứ trưởng cho biết.

Tham dự sự kiện, bà Huỳnh Mai Anh, Giám đốc phát triển của Công ty Cổ phần xây dựng Phương Nam (TP. Thủ Đức) chia sẻ, thực tế cho thấy doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về cơ chế tài chính, tín dụng để thực hiện công trình xanh. “Việc đầu tư tài chính xanh và bền vững sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn, tuy nhiên hiện chưa có nhiều hoạt động đầu tư tài chính phổ biến trên thị trường, các sản phẩm tài chính xanh còn phức tạp về thủ tục, chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng”, bà Mai Anh nói.

Một nghiên cứu đang thực hiện của ADB cho thấy, Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách trong việc phát triển các công trình xanh, đặc biệt là chưa có hệ thống thuế xanh và các quy phạm pháp luật để khuyến khích phát triển xanh. Bên cạnh đó, lỗ hổng về thiếu thông tin, cấu trúc thị trường, nguồn nhân lực am hiểu phát triển xanh, tài chính xanh, tín dụng… cần được tháo gỡ để việc mục tiêu triển công trình xanh ở Việt Nam được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.

Tin mới lên