Tài chính quốc tế

Thụy Điển lại nhắc tới món nợ hơn 300 triệu USD của Triều Tiên

(VNF) - Theo Truyền thông Thụy Điển, Triều Tiên hiện là con nợ lớn nhất của nước này với số tiền chưa hoàn trả lên tới 302 triệu USD.

Thụy Điển lại nhắc tới món nợ hơn 300 triệu USD của Triều Tiên

Ôtô Volvo là mặt hàng chính Triều Tiên mua từ Thụy Điển.

Chia sẻ với kênh Sveriges Radio của Thụy Điển mới đây, ông Stefan Karlsson, nhà phân tích hàng đầu của Cơ quan Tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển (EKN) cho biết khoảng 45 năm sau hạn chót thanh toán, khoản nợ ban đầu của Triều Tiên tăng từ 600 triệu kronas (tương đương 65 triệu USD) lên 2,8 tỉ kronas (302 triệu USD).

Cũng theo ông Karlsson, khoản nợ của Triều Tiên gia tăng là do mỗi năm tiền lãi Triều Tiên phải trả là 100 triệu krona (15 triệu USD).

Theo tờ Express của Anh, cách đây 45 năm, chính phủ Thụy Điển đã nhận thấy tiềm năng làm ăn với Triều Tiên nên đã khuyến khích các công ty như Sandvik, SKF và Volvo xem đây là một thị trường xuất khẩu mới.

Sau khi được mời chào, vào năm 1974 Triều Tiên đã đồng ý mua 1.000 chiếc xe ô tô Volvo 144 cùng các thiết bị khai thác khoáng sản của công ty công nghiệp Atlas Copco và nhiều nhà sản xuất khác của Thụy Điển.

Ông Karlsson cho biết thêm, lần cuối cùng Thụy Điển nhận được số tiền trả nợ từ Triều Tiên là vào cuối thập niên 80 nhưng do tình hình kinh tế khó khăn của Bình Nhưỡng, Thụy Điển không còn nhận được tiền trả nợ.

Được biết EKN gửi thư nhắc Triều Tiên về món nợ trên 2 lần mỗi năm, tuy nhiên, yêu cầu này thường không được hồi âm.

Vì chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên hiện chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, như Liên hợp Quốc (UN), Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU). Việc này khiến họ bị hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa, không nhận được đầu tư, cũng như bị cô lập khỏi các thị trường tài chính thế giới.

Trong bài phát biểu lần đầu năm 2012, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ không để người dân nước này phải "thắt lưng buộc bụng" một lần nữa. Lãnh đạo Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt chính sách kích thích sản xuất trong nước và nới lỏng kiểm soát việc kinh doanh.

 Năm 2013, ông tuyên bố theo đuổi chính sách byungjin - phát triển đồng thời cả kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, đến năm 2018, Kim Jong-un cho biết mục tiêu này đã hoàn thành và chiến lược mới của họ là tập trung toàn bộ nỗ lực xây dựng kinh tế.

Kể từ khi tuyên bố ngừng thử tên lửa và hạt nhân năm ngoái, ông cũng rất nỗ lực thuyết phục quốc tế gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang kìm hãm kinh tế Triều Tiên. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng việc này sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phi hạt nhân hóa tại đây.

Xem thêm >> Venezuela: Tổng thống tự phong sắp về nước, thách thức chính quyền ông Maduro

Tin mới lên