Tiến độ dự án giãn dân phố cổ Hà Nội: Quý IV/2019 sẽ hoàn thiện thủ tục

Lệ Chi - 25/11/2019 17:30 (GMT+7)

(VNF) - Cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm đẩy nhanh tiến độ dự án giãn dân phố cổ, có cơ chế phù hợp để thúc đẩy hiệu quả dự án, củng cố niềm tin cho nhân dân thuộc khu phố cổ Hà Nội.

VNF
Cử tri Hà Nội đề nghị đẩy nhanh tiến độ giãn dân phố cổ

Trả lời cử tri về đề án giãn dân phố cổ, UBND TP. Hà Nội cho biết ngày 6/9/2019, tập thể UBND thành phố đã có thông báo số 1047/TB-UBND chỉ đạo quận Hoàn Kiếm thực hiện.

Theo đó, về hồ sơ dự án, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thiện hồ sơ dự án gửi Sở Xây dựng thẩm định dự án đầu tư. Sở Xây dựng đã có văn bản về việc thông báo kết quả thẩm định điều chỉnh dự án.

Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở Xây dựng có 2 báo cáo đề nghị UBND thành phố xem xét và phê duyệt điều chỉnh cơ chế đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ.

Liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, UBND quận Hoàn Kiếm đã có tờ trình gửi kèm hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ngày 26/4/2019, sở này đã có văn bản trả lời về đề nghị trên, trong đó đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm lấy ý kiến của Sở Xây dựng về việc rà soát cơ chế đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Chủ trương giãn dân phố cổ được Hà Nội đặt ra từ 20 năm trước. Thành phố đã lên kế hoạch khởi công dự án từ năm 2002 với mục tiêu bước đầu di dời khoảng 7.000 dân tới khu đô thị Việt Hưng. Tuy nhiên, đến 2013 thành phố mới ban hành văn bản thực hiện chủ trương giãn dân phố cổ và số dân cần di dời gấp 10 lần mục tiêu ban đầu.

Phối cảnh khu nhà ở giãn dân phố cổ được quận Hoàn Kiếm công bố năm 2015.

Tháng 1/2015, quận Hoàn Kiếm họp báo công bố sẽ khởi công khu nhà ở giãn dân và hoàn thành vào cuối năm 2017. Quận cũng lên kế hoạch di dời trong giai đoạn một của dự án với trên 500 hộ gồm: Người dân sống trong di tích (hơn 46 hộ); trong công sở (21 hộ); trường học (13 hộ).

Ngoài ra, gần 6.000 nhân khẩu đang sống trong các căn hộ có giá trị, giá trị đặc biệt, biển số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm, chung cư sở hữu tư nhân cũng nằm trong kế hoạch giãn dân đợt một. Tuy nhiên, khu nhà ở giãn dân vẫn chưa được khởi công.

Vào tháng 7 vừa qua, trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm, UBND TP. Hà Nội cho biết đã giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án di dời dân phố cổ trên địa bàn 10 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.

Ngoài ra, Hà Nội cũng giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ (dự kiến quý IV/2019).

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án nhà ở giãn dân phố cổ sẽ cần quỹ đất để thực hiện xây nhà và chuyển dịch cho khoảng 5.000 hộ dân, việc triển khai dự án giai đoạn 2 sẽ được thực hiện tại các khu đô thị khác do thành phố bố trí quỹ đất.

Phía UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ưu tiên di dời các hộ dân đang sinh sống trong các ngôi nhà xuống cấp, sinh sống tại các di tích, trường học, cơ quan - công sở nhà nước đi trước. Dự kiến vào quý IV/2019 sẽ hoàn thành các phương án triển khai.

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân khoảng 66.600 người tương ứng với mật độ 823 người/ha. Hà Nội dự kiến giảm mật độ xuống còn 500 người/ha, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với hơn 26.000 người dân.

Dự án giãn dân phố cổ được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và công trình kiến trúc cổ có giá trị; phát triển đô thị bền vững; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trong đó có dịch vụ du lịch.

>>> Xem thêm: Cử tri nghi ngờ thành phố lấy đất công giao Công ty Sông Hồng xây chung cư để bán, Hà Nội nói gì?

Cùng chuyên mục
Tin khác