Tiến độ thần tốc dự án đường trên cao 9.500 tỷ của Vingroup
Minh Trang -
06/02/2019 10:05 (GMT+7)
(VNF) - Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn đang thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, một trong những cái tên nổi bật nhất là Vingroup với minh chứng dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Những ngày cuối năm 2018, trên công trường đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, hàng trăm công nhân cùng khối lượng lớn máy móc, thiết bị chia ca, miệt mài làm việc cả ngày lẫn đêm.
Đoạn đường trên cao Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở là giai đoạn I của dự án tuyến đường trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Ngày 22/4/2018, dự án đã được khởi công, kết hợp với dự án mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng. Tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng.
Nhắc lại về lịch sử dự án, từ cuối năm 2010, CTCP Vincom (nay là tập đoàn Vingroup) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội đề xuất được làm chủ đầu tư dự án đường trên cao nói trên theo hình thức BT. Mục đích của công trình này là nhằm giải toả ách tắc giao thông cho khu vực phía Nam Hà Nội, đặc biệt nhiều đoạn đường và khu vực từ vành đai 2 trở vào. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội ngày 27/8/2013 đã chính thức ban hành quyết định phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao đọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT.
Dự án có chiều dài 5,08 km, với điểm đầu là phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. Các hạng mục chính được đầu tư trong dự án gồm cầu chính rộng 19m và cầu dẫn rộng 7m; các nhánh cầu dẫn kết nối với các tuyến đường bên dưới tại các vị trí: đầu cầu Vĩnh Tuy, nút Ngã Tư Vọng, nút Ngã Tư Sở. Cao độ mặt cầu cách cao độ tuyến đường bên dưới khoảng 10m, đảm bảo tĩnh không của đường bên dưới đối với đoạn thông thường khoảng 11-12m, riêng đoạn từ đầu tuyến đến cầu Mai Động có cao độ mặt cầu cách cao độ tuyến đường bên dưới khoảng 10m.
Khâu giải phóng mặt bằng đoạn Tôn Thất Tùng - Ngã tư Sở sắp hoàn tất. Ảnh: Minh Trang
Diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án khoảng 10,4 ha trong phạm vi chỉ giới đường đỏ Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy. Đường bộ trên cao sẽ được kết nối với tuyến đường đi dưới tại 3 vị trí: đoạn kết nối với đầu cầu Vĩnh Tuy dài khoảng 200m bố trí các điểm tách nhập dòng xe. Xây dựng tường chắn có cốt, tường chắn bê tông cốt thép và gờ chắn bánh.
Tại nút giao Ngã Tư Vọng, tuyến cầu đi trên cao kết nối với đường đi bên dưới bằng 4 nhánh cầu dẫn lên xuống kẹp hai bên cầu chính, cầu chính vượt qua cầu Vọng hiện tại và tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Tại nút giao Ngã Tư Sở, tuyến đường đi trên cao kết nối với đường đi dưới bằng 2 nhánh cầu lên xuống kẹp hai bên cầu chính.
Sử dụng công nghệ dầm hộp bê tông dự ứng lực liên tục, sau 8 tháng xây dựng, giai đoạn 1 của dự án tới nay đã thực hiện xong 26 cột trụ, đổ xong 5 dầm hộp. Song song với đó, khâu giải phóng mặt bằng đoạn Vĩnh Tuy - cầu Mai Động và đoạn Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở gần như đã hoàn tất. Tiến độ xây dựng nhanh chóng của dự án đem đến không ít sự ngỡ ngàng. Chị Nguyễn Thanh Ly ở phường Khương Thượng (Quận Đống Đa) cho biết mỗi ngày đi qua đường Trường Chinh lại thấy thêm đổi khác. Chị và hàng chục nghìn hộ dân sinh sống hai bên con đường kỳ vọng với sự tham gia đầu tư của Vingroup, dự án sẽ hoàn thành đúng, thậm chí vượt tiến độ.
Niềm tin của chị Nguyễn Thanh Ly trước hết xuất phát từ danh tiếng và uy tín của tập đoàn Vingroup. Thứ nữa dựa vào so sánh với loạt dự án chậm tiến độ hàng năm trời, thậm chí cả thập kỷ do ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư, thông qua các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước. Ở một hình dung tương tự, Tập đoàn Sun Group cuối tháng 12 vừa qua đã khai trương Sân bay Vân Đồn tại Quảng Ninh. Phi trường quốc tế được xây dựng vỏn vẹn trong vòng 2 năm, với số vốn 7.500 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn “số lẻ” dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (25.000 tỷ đồng).
Vingroup, Sun Group là những tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn nhất cả nước, và họ đã và đang khẳng định sự đúng đắn của xu hướng chuyển dịch tư nhân làm cơ sở hạ tầng, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Giữa năm ngoái, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng cho phép sử dụng 6.000 ha đất có giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng để đối ứng cho 10 dự án đường sắt trên cao. Cơ quan này tiết lộ đã có 5 tập đoàn trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tham gia, trong đó ngoài Vingroup, còn nhiều tên tuổi như Xuân Thành, Tân Hoàng Minh, MIK Group...
Trở lại với Vingroup, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trải qua năm 2018 có thể nói là đầy ấn tượng, bên cạnh tiến độ thần tốc, ghi điểm ở dự án đường trên cao vành đai 2, Vingroup đã gây chấn động giới đầu tư ở khu vực và thế giới khi cho ra mắt các mẫu ô tô đầu tiên của mình ở nhà máy Cát Hải (Hải Phòng) - một dự án tỷ đô cũng được thi công với tốc độ “có 1-0-2”, rồi đầu tư vào lĩnh vực điện thoại, giáo dục đại học, big data, công nghệ cao...Trong 9 tháng đầu năm, tổng tài sản của Vingroup tăng 25% lên 268.230 tỷ đồng, tương đương quy mô của một ngân hàng thương mại cỡ vừa. Tổng doanh thu trong kỳ đạt 84.163 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.295 tỷ đồng, khẳng định vị thế của tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.