Tìm hiểu về công ty kiểm toán xuất hiện trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh

Thuỳ Dương - 06/11/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Kiểm toán DFK Việt Nam được giới thiệu là thành viên độc lập của DFK International từ năm 2007. Kết quả kinh doanh của công ty kiểm toán này khá đặc biệt khi doanh thu chủ yếu không đến từ kiểm toán.

Kết luận điều tra mới ban hành của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nêu rõ, để được xem xét gia hạn dự án Đại Ninh, đại gia Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, phải chứng minh năng lực tài chính, có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Để hợp thức hóa hồ sơ, ông Trí đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam.

Cơ quan điều tra cáo buộc Kiểm toán DFK Việt Nam ký ban hành báo cáo kiểm toán về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông, xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng dù không đủ bằng chứng, không làm việc với hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Kiểm toán DFK Việt Nam kinh doanh ra sao?

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam (DFK Việt Nam) được thành lập vào ngày 9/4/2003 và có địa chỉ tại số 45, phường Bạch Đằng, quận Tân Bình, TP. HCM. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế.

Tại thời điểm tháng 10/2020, cơ cấu cổ đông của DFK Việt Nam gồm: Nguyễn Lương Nhân góp 5 tỷ đồng (tương ứng 50%; Nguyễn Tiến Dũng góp 1,4 tỷ đồng (tương ứng 14%); Phạm Thế Hưng góp 1,8 tỷ đồng (tương ứng 18,5%); Nguyễn Thanh Tuấn góp 750 triệu đồng (tương ứng 7,5%); Vũ Văn Sang góp 1 tỷ đồng (tương ứng 10%). Người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc là ông Nguyễn Lương Nhân, còn chủ tịch HĐTV là ông Phạm Thế Hưng.

Theo giới thiệu trên website, DFK Việt Nam cho biết họ là một trong số ít công ty kiểm toán tại Việt Nam được thành lập bởi các kiểm toán viên đã làm việc nhiều năm cho các hãng kiểm toán hàng đầu thế giới (Big4).

DFK Việt Nam cũng tự giới thiệu là thành viên độc lập của DFK International - một mạng lưới quốc tế về kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp có trụ sở tại Anh, bao gồm 219 công ty thành viên hoạt động trên 101 quốc gia.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu năm 2023 của DFK Việt Nam đạt gần 44 tỷ đồng. Đáng chú ý suốt nhiều năm, doanh thu khác chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng thu doanh thu của doanh nghiệp này.

Như năm 2023, doanh thu kiểm toán lợi ích công chúng chỉ 90 triệu đồng, còn lại hơn 43 tỷ đồng là "doanh thu khác". Báo cáo không thuyết minh chi tiết doanh thu khác.

Ở phần chi phí, DFK Việt Nam bỏ ra hơn 41,7 tỷ đồng năm 2023. Chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí là tiền lương, thưởng với hơn 25,5 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DFK Việt Nam còn hơn 1,4 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của kiểm toán DFK Việt Nam trong những năm gần đây. 

So với năm trước, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có sự sụt giảm. Theo báo cáo năm 2022, doanh thu của DFK Việt Nam đạt 49,2 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, việc kiểm toán năm 2020 với Công ty Sài Gòn Đại Ninh của DFK Việt Nam có giá trị hợp đồng dịch vụ kiểm toán 50 triệu đồng.

Song chưa đủ căn cứ xác định vai trò của công ty kiểm toán đồng phạm với Nguyễn Cao Trí hoặc phạm tội độc lập khác.

Do vậy, cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý hành chính đối với pháp nhân Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam và các cá nhân trong việc thực hiện báo cáo kiểm toán vốn điều lệ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh trái quy định pháp luật, vi phạm chuẩn mực kiểm toán.

Nhiều công ty kiểm toán xuất hiện trong các đại án

Thời gian qua, nhiều kiểm toán viên đã bị phạt, đình chỉ, tước giấy phép hành nghề, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, như ở vụ án FLC và Tân Hoàng Minh.

Như vụ án ông Trịnh Văn Quyết, hai công ty kiểm toán ký báo cáo "khống" giúp cổ phiếu ROS lên sàn. Tương tự, vụ Tân Hoàng Minh cũng "đặt hàng" kiểm toán, từ đó "phù phép" báo cáo tài chính nhằm đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát, bốn doanh nghiệp kiểm toán lớn trên thế giới, thường được gọi là Big4, thì ngoại trừ PwC, có ba đơn vị - KPMG, Deloitte, Ernst & Young - đã tham gia kiểm toán SCB trong nhiều năm nhưng không phát hiện bất thường.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2/2024, trên cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.343 kiểm toán viên hành nghề.

Năm 2023, Bộ Tài chính đã phạt vi phạm hành chính 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề, đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực...

Cùng chuyên mục
Tin khác