Tin chứng khoán 5/9: Thị trường đón 2 thương vụ bán vốn lớn từ Vinalines và CENLAND
Thanh Long -
05/09/2018 07:12 (GMT+7)
(VNF) - Ngày 5/9, thị trường chứng khoán đón 2 thương vụ bán vốn lớn từ Vinalines với 488 triệu cổ phần được chào bán (giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần) và CENLAND với 50 triệu cổ phần được niêm yết (giá chào sàn 50.000 đồng/cổ phần).
Tin chứng khoán: Vinalines chính thức IPO, CENLAND niêm yết sàn HoSE
Hôm nay (5/9), thị trường chứng khoán đón 2 thương vụ bán vốn lớn: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính thức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CENLAND) chính thức niêm yết trên sàn HoSE.
Cụ thể, theo kế hoạch, Vinalines sẽ thực hiện IPO vào 8h30 ngày 5/9/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với 488.818.130 cổ phần (tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ) được chào bán công khai.
Với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, nếu IPO thành công toàn bộ số cổ phần trên, Nhà nước dự thu ít nhất 4.880 tỷ đồng.
Bất chấp kết quả của đợt IPO này, việc đi đến ngày chính thức cổ phần hóa thực sự là một thành quả đáng ghi nhận của Vinalines, khi mà từng có thời điểm "quả đấm thép" một thời này lỗ lũy kế tới 22.000 tỷ.
Mấu chốt trong tiến trình IPO của Vinalines là việc tổng công ty này giảm được tổng cộng 10.647 tỷ đồng nợ trong giai đoạn 2014 - 2017, với việc cơ cấu xong 1.002,7 tỷ đồng nợ gốc được khoanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và giảm 5.595,48 tỷ đồng nợ (nợ gốc giảm 3.913,25 tỷ đồng, lãi giảm 1.682,23 tỷ đồng).
Với việc tinh gọn đội tàu, thoái vốn tại các công ty thành viên thua lỗ, Vinalines đang kỳ vọng khắc phục được tình trạng giá vốn vượt xa doanh thu thuần diễn ra triền miên trong nhiều năm qua, khiến tổng công ty này lỗ gộp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2018, Vinalines đặt mục tiêu đạt lợi nhuận gộp 51 tỷ đồng. Năm 2019 và năm 2020, lợi nhuận gộp kỳ vọng đạt lần lượt 131 tỷ đồng và 143 tỷ đồng.
Một điểm khá hấp dẫn ở Vinalines là tổng công ty này dự kiến sẽ giảm mạnh tỷ lệ sở hữu tại nhiều cảng biển, trong đó đặc biệt phải kể đến Cảng Hải Phòng (giảm từ 92,56% xuống 65%) và Cảng Đà Nẵng (giảm từ 75% xuống 65%).
Sau cổ phần hóa, Vinalines sẽ lên sàn UPCoM với mã chứng khoán MVN.
Về CENLAND, 50 triệu cổ phiếu CRE của "ông lớn" môi giới bất động sản này sẽ chính thức được niêm yết trên sàn HoSE trong hôm nay (5/9) với giá chào sàn 50.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa ngay khi lên sàn là 2.500 tỷ đồng.
Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 20%, tương đương khoảng giá 40.000 – 60.000 đồng/cổ phiếu.
Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại CENLAND hiện là 49%. Trong đó, Dragon Capital và Vina Capital đang nắm tổng cộng 25% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của CENLAND là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (CENGROUP) với tỷ lệ sở hữu 51,15%.
Được thành lập từ năm 2001, CENLAND trực thuộc CENGROUP, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tiếp thị, môi giới bất động sản với hệ thống sàn giao dịch, sàn liên kết và mạng lưới cộng tác viên lớn bậc nhất trong ngành.
Cụ thể, CENLAND sở hữu 20 Văn phòng giao dịch với 1.899 nhân viên môi giới. Công ty này cũng đang làm việc với hơn 700 sàn liên kết là các công ty môi giới bất động sản. Đặc biệt phải kể đến hệ thống 15.000 nhà kết nối cá nhân (connectors) hoạt động như nhà môi gới bán chuyên nghiệp. Ngoài ra, CENLAND cũng có website nghemoigioi.vn đang hoạt động như một sàn giao dịch điện tử cho các dự án bất động sản.
Một số dự án môi giới lớn đã và đang triển khai của CENLAND có thể kể đến như TMS Grand City Phúc Yên, Manhattan Tower, Iris Garden, The Emerald, Khai Sơn Town, The K – Park, Gamuda Gardens, The Golden Armor, Gami Eco Charm, Piana Nha Trang, Ngọc Dương Riverside, Swan Park, Rosia Garden, West Intela, Lovera Park…
CENLAND hiện chiếm 30% thị phần môi giới bất động sản tại miền Bắc.
Doanh thu hợp nhất năm 2017 của CENLAND đạt 1.115 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 315 tỷ đồng, tăng 88%.
Doanh thu hợp nhất nửa đầu năm 2018 đạt 592,3 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 181 tỷ đồng.
Cho giai đoạn 2018 – 2020, CENLAND đặt mục tiêu doanh thu tăng lần lượt 50%, 33% và 20%; lợi nhuận tăng lần lượt 26%, 34% và 20%. Vốn chủ sở hữu mục tiêu tăng lần lượt 163%, 28% và 26%.
Kết thúc quý II/2018, tổng tài sản của CENLAND đạt 1.655 tỷ đồng.
CENLAND đang hướng tới mở rộng mảng đầu tư thứ cấp. Thay vì tỷ lệ hoa hồng 3%-10% đối với các hình thức môi giới truyền thống, CENLAND có thể hưởng mức tỷ lệ 15% cho hoạt động đầu tư ngày.
3 dự án CENLAND đang đầu tư thứ cấp gồm Làng Việt Kiều Quốc Tế (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng), The Lovera garden (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và The Central (Khu đô thị mới Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
VN-Index tiếp đà giảm trong phiên 5/9?
Phiên đầu tháng 9, VN-Index và VN30-Index lần lượt giảm 13,6 điểm (tương đương 1,37%) và 18,09 điểm (tương đương 1,9%), về mức 975,64 điểm và 951,14 điểm.
Áp lực bán mạnh tập trung vào nhóm ngân hàng, cụ thể ở VCB (giảm 2,4%), BID (giảm 5,5%) và CTG (giảm 4,6%); bên cạnh đó VJC cũng giảm sàn. Giao dịch ở nhóm cổ phiếu Chứng khoán cũng thể hiện tâm lý không tích cực khi không mã nào trong nhóm tăng điểm.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, ngưỡng hỗ trợ tại mức 985 không được giữ vững, đã đẩy VN-Index tiếp tục giảm trong phiên. VN-Index đóng cửa giảm điểm với cây nến ngày là nến giảm có thân nến dài so với một số cây nến liền trước và khá ít bóng nến, cho thấy đà giảm dứt khoát. Khối lượng giao dịch đã tăng so với phiên trước đó và cao hơn nền khối lượng giao dịch tuần, cho thấy sức ép tâm lý của ngưỡng cản 1000 là khá mạnh.
"Tại mức 975 có khả năng chỉ số sẽ hồi nhẹ trong phiên tiếp theo, tuy nhiên đà giảm có khả năng còn tiếp tục và ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index tại mức 955-960", SSI dự báo.
Còn theo nhìn nhận của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index có thể sẽ lùi về kiểm tra vùng hỗ trợ 970 điểm trong phiên kế tiếp. BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có phản ứng hồi phục trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ trên. Mặc dù vậy, trong kịch bản tiêu cực, ngưỡng 970 điểm bị xuyên thủng thì thị trường có nguy cơ bước vào nhịp điều chỉnh dài hơn theo khung thời gian tuần
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.