TISCO tiếp tục thua lỗ, 'gánh' trăm tỷ chi phí mỗi năm vì dự án 'đắp chiếu'
(VNF) - Công ty cổ phần Gang thép Thái nguyên (UpCOM: TIS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 83 tỷ đồng, tăng thêm gần 46% so với cùng kỳ
TISCO: Lợi nhuận tiếp tục âm, nợ xấu khó đòi gần 350 tỷ
Theo BCTC hợp nhất của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III/2024 là 2.390 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 hơn 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng năm 2024 tổng doanh thu này tăng thêm gần 13% khi đạt gần 7.644 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của TIS trong 9 tháng năm 2024 tăng gần 330% khi đạt mức hơn 210 tỷ đồng, so với con số khiêm tốn cùng kỳ là gần 49 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của TIS đã giảm âm, chỉ còn lỗ hơn gần 76 tỷ đồng so với cùng kỳ, so với con số âm gần 193 tỷ đồng. Riêng trong Quý III/2024, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên lỗ trước thuế hơn 83 tỷ đồng, tăng thêm gần 46% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi là hơn 549 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi dự kiến hơn 200 tỷ đồng, nợ xấu khó đòi gần 350 tỷ.
Tính đến 30/09/2024, nợ phải trả của TIS tăng nhẹ lên 8.848 tỷ đồng, tăng thêm gần 4% so với cùng kỳ, hiện con số nợ này đang gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu. Cũng đến 30/09/2024, tổng tài sản của TIS là gần 10.445 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hiện có 2 công ty con là Công ty cổ phần Cán thép Thái Trung và Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Thái Trung.
"Gánh" chi phí hàng chục triệu USD cho dự án mở rộng giai đoạn 2
Thực tế hiện nay, dự án mở rộng đầu tư giai đoạn 2 của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đang cần xử lý tình trạng “đắp chiếu” 17 năm, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng, nguy cơ để lại nhiều hệ luỵ xấu cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Được biết, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2) được khởi công năm 2007 với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, gói thầu chính là dây chuyền luyện kim có trị giá hơn 160 triệu USD, do Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC, thời gian thực hiện dự án là đến hết năm 2014.
Tuy nhiên MCC đã dừng thi công và đề nghị điều chỉnh hợp đồng. Tháng 5/2013, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TISCO quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng thêm hơn 4.260 tỷ đồng).
Việc tăng vốn lên gấp hơn gấp 2 lần đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả của của dự án. Kết quả, dự án dừng triển khai 10 năm nay. Điều đáng nói, trong suốt quá trình dài này, TISCO đã bị “vắt kiệt sức” bởi hàng năm đều phải gánh chi phí hàng chục triệu USD để chi trả cho dự án “đắp chiếu”.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất tính đến 30/09/2024, nợ ngắn hặn phải trả tăng lên gần 6.295 tỷ đồng, thêm gần 280 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí phải trả trong ngắn hạn là hơn 2.231 tỷ đồng, tăng gần 4,5% so với năm 2023.
Khoản chi phí này được lý giải chủ yếu đến từ chi phí lãi vay dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn II”, chiếm phần lớn với 2.206 tỷ đồng, hơn 98% chi phí phải trả trong ngắn hạn.
Tương tự, chi phí phải trả trong dài hạn, lãi vay dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn II” tính đến 30/09/2024 là hơn 557 tỷ đồng, tăng thêm 82 tỷ đồng so với đầu năm 2024.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tổng giá trị TISCO 2 đã thực hiện đầu tư hơn 7.350 tỷ đồng, chiếm 90% tổng số vốn đầu tư, trong đó lãi vay được vốn hóa hơn 3.800 tỷ đồng. Được biết, thời điểm đầu năm 2019, tổng giá trị TISCO 2 đầu tư mới chỉ gần 5.100 tỷ đồng, sau hơn 5 năm, chi phí này đã “gánh” thêm hơn 2.250 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, TISCO 2 hiện không hoạt động, không tạo ra giá trị cho Gang Thép Thái Nguyên, nhưng hằng năm vẫn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng lãi vay. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, theo tính toán mỗi năm TISCO 2 sẽ còn tiêu tốn thêm hàng chục triệu USD, thiệt hại này vừa đến từ chi phí trả lãi, chưa kể các hệ thống dây chuyền sản xuất, trang thiết bị công trình, máy móc bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, khó có thể khắc phục…
Mới đây, ngày 12/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) đã có buổi làm việc với các đơn vị về phương án xử lý Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Theo đó, người đứng đầu CMSC giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Hội đồng thành viên phối hợp với Hội đồng thành viên SCIC, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc chấm dứt, thanh lý hợp EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà Nhà nước.
Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp (SCIC, VNS, TISCO) nghiên cứu, lựa chọn phương án xử lý tiếp theo đối với dự án, bảo đảm hiệu quả tối ưu, đúng quy định; bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, góp phần phát triển ngành Công nghiệp thép Việt Nam trong thời gian tới.
Tisco (TIS) có quý thứ hai liên tiếp thua lỗ, dòng tiền kinh doanh âm hơn 341 tỷ
Toàn cảnh thi công Cao tốc Hoà Liên - Túy Loan 2.100 tỷ đồng
(VNF) - Tuyến đường được xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m