TP. HCM muốn lập doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước để quản lý 4 khách sạn thuộc Saigontourist

Trần Lê - 13/05/2021 12:27 (GMT+7)

(VNF) - TP. HCM kiến nghị Thủ tướng lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố để tiếp nhận, quản lý 4 khách sạn của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).

VNF
TP. HCM là địa phương đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ thăm và làm việc sau khi nhận nhiệm vụ. (Ảnh Việt Dũng báo SGGP)

Sáng 13/5, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với TP. HCM. Đây là địa phương đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ thăm và làm việc sau khi nhận nhiệm vụ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đề cập đến những khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của TP. HCM.

Đó là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong khi đó, TP. HCM đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước. Vì thế, việc cân đối chi đầu tư luôn là bài toán khó đối với TP. HCM, bởi công trình, dự án trọng điểm rất nhiều trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp.

Lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP. HCM và các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng Đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP. HCM trong quý II/2021. Hiện nay, một số nội dung trong Nghị định 93 không còn phù hợp và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của TP. HCM.

Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, lãnh đạo TP. HCM có 4 kiến nghị, trong đó đáng chú ý là kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM giai đoạn 2022-2025 là 23%, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để TP. HCM phát triển nhanh, bền vững;

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện;

Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

Kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP. HCM để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) cổ phần hóa.

Theo Quyết định, Saigontouris thuộc nhóm cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Trong khi đó, Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn tại trung tâm. Đó là Khách sạn Bến Thành - Rex Hotel, Khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và Kách sạn Kim Đô.

Các doanh nghiệp nhà nước TP. HCM thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất với đối tác nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh. Các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng trước mắt và lâu dài. Do vậy nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này.

Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, TP. HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP. HCM có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TP. HCM là 261.967 tỷ đồng.

Liên quan đến TP Thủ Đức, lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp TP. HCM xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý II/2021.

TP. HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TP. HCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam.

Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung (nếu có) theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây.  

TP. HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam về ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của công ty này.

Về quản lý đô thị, lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TP. HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP. HCM tại một số khu vực như xung quanh nhà ga Metro theo mô hình TOD; điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại; cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.