TS Cấn Văn Lực: Kiều hối năm nay có thể đạt 18 tỷ USD, tăng 4,5%

Lê Nguyễn - 06/10/2021 20:58 (GMT+7)

(VNF) – TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết kiều hối của Việt Nam trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 vẫn tăng trưởng, bất chấp xu hướng giảm chung của thế giới.

VNF
TS Cấn Văn Lực: Kiều hối năm nay có thể đạt 18 tỷ USD, tăng 4,5%

Tại một cuộc tọa đàm về bất động sản diễn ra tại Hà Nội chiều nay (6/10), ông Cấn Văn Lực nói trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kiều hối của thế giới đã giảm khoảng 7% trong năm 2020. Tuy nhiên trong cùng năm đó, kiều hối của Việt Nam vẫn tăng trưởng 3%, đạt 17,2 tỷ USD. Năm 2021, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo kiều hối của Việt Nam đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng khoảng 4,5% so với năm trước.

Nguồn kiều hối dồi dào này được cho sẽ là một nguồn lực quan trọng giúp hồi phục sức mua trên thị trường bất động sản. TS Võ Trí Thành cho biết, có khoảng 30% lượng kiều hối đổ vào kênh bất động sản tại Việt Nam.

Nói thêm về lực cầu của thị trường bất động sản trong năm 2021, ông Cấn Văn Lực cho rằng thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ của bối cảnh vĩ mô. “Khả năng phục hồi sẽ mạnh lên từ quý IV, vì quý III đã là đáy của tăng trưởng GDP rồi. Chúng tôi dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm nay. Kịch bản 1 là GDP tăng 2,5%, tương ứng quý IV tăng 4%. Kịch bản 2 là tăng 3%, tương ứng quý IV tăng 5,3%. Năm 2022, GDP có thể tăng 6% - 7%”.

Ông Lực cũng lưu ý 2 điểm. Điểm thứ nhất là cuối năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148. Nghị định này đã mở đường giải quyết vấn đề đất công xen kẹt trong các dự án nhà ở, một vấn đề nhức nhối tại TP. HCM trong hơn 2 năm qua. Điểm thứ hai là Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm nay đã cho phép thành lập nhiều hơn các quỹ tín thác bất động sản. Hai văn bản quy phạm pháp luật này được nhìn nhận sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của các dự án và giao dịch địa ốc trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cung cấp thêm thông tin rằng trong quý III/2021, đơn vị này có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rằng vẫn có hàng vạn giao dịch. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm. Vì vậy, ông Đính khẳng định, bất động sản có bị tác động tiêu cực đến "sức khỏe" nhưng thị trường này vẫn có sức sống.

Cùng chuyên mục
Tin khác