Tuyên bố ‘cai nghiện’, châu Âu vẫn tăng cường nhập khẩu dầu Nga

Thanh Tú - 05/08/2022 18:29 (GMT+7)

(VNF) - Dù Liên minh châu Âu (EU) luôn thể hiện quyết tâm “cai nghiện” dầu Nga nhằm tước bỏ nguồn thu khổng lồ của nước này, hiện Nga vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của liên minh này, chiếm một nửa số lượng dầu mỏ mà EU nhập khẩu.

VNF
Hiện Nga vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của EU.

Tờ Thời báo Tài chính (Finances Times) của Anh mới đây đã dẫn số liệu từ Vortexa, một tổ chức chuyên theo dõi tàu chở dầu, cho thấy trong tháng 7, châu Âu nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu diesel mỗi ngày từ Nga, cao hơn trong tháng 6 và tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của Vortexa, nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ còn tăng trong những tháng tới trong bối cảnh giá khí đốt và giá điện vẫn không ngừng tăng, buộc các tập đoàn công nghiệp lớn của EU phải chuyển sang sử dụng nhiều dầu mỏ hơn.       

Điều này cũng tác động không nhỏ tới việc thực thi kế hoạch giảm nhập khẩu dầu diesel Nga về 0 từ tháng 2 năm tới - một phần trong gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga mà EU công bố hồi tháng 6.

Theo gói trừng phạt này, EU sẽ dần loại bỏ việc nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển trong năm nay và đối với nhập khẩu dầu tinh chế từ tháng 2 năm tới, cấm toàn bộ các công ty châu Âu được bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga sang nước thứ ba.

Nga từng cảnh báo quyết định của EU về việc dần loại bỏ dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga, cũng như cấm cung cấp bảo hiểm đối với các tàu chở dầu của Nga, có thể càng khiến giá cả gia tăng, gây bất ổn cho thị trường năng lượng, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nga cũng cho rằng hành động này của EU cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của liên minh.

Ở động thái liên quan, mới đây, EU đã nhất trí nởi lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ Nga. Cụ thể, liên minh này cho phép các tập đoàn dầu khí Nga bán dầu cho bên thứ ba, cho phép thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến bán dầu của Nga, cho phép các công ty EU ký hợp đồng vận chuyển hoặc bảo hiểm cho các tàu dầu của Nga bán cho bên thứ ba. EU cho biết sự điều chỉnh này nhằm hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu.

Trước đó, các tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu như Shell, Total, Vitol, Glencore và Trafigura đã phải ngừng mọi giao dịch dầu của Nga cho các bên thứ ba, bởi vướng các lệnh trừng phạt của EU, bao gồm các hạn chế về bảo hiểm.

Xem thêm >> Giá dầu thế giới giảm sâu sau khi Mỹ thông báo tồn kho tăng mạnh

Theo Finances Times
Cùng chuyên mục
Tin khác