'Vì sao công trình giao thông làm thì lâu, hỏng và xuống cấp thì nhanh?'

Bình An - 15/10/2018 23:33 (GMT+7)

(VNF) - Đó là câu hỏi mà Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt ra và đề nghị có câu trả lời khi thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018.

VNF
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Chiều 15/10, các đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này.

Bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng thời gian qua, Chính phủ tích cực điều hành theo tinh thần xuyên suốt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Làm rõ trách nhiệm giải trình của các cơ quan

Bà Nga dẫn chứng việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn, thường xuyên đối thoại và lắng nghe để giải quyết những vấn đề cấp bách, vấn đề bức xúc của nhân dân cũng như tạo niềm tin với các nhà đầu tư.

“Thể hiện rõ là sự cầu thị, tôn trọng ý kiến dư luận, ý kiến cử tri và của đại biểu. Khi có vấn đề bức xúc thì Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đều có phản ứng kịp thời; tổ chức thường xuyên các hội nghị, đối thoại để lắng nghe và điều này cần phát huy” – bà Nga nói.

Song bà Nga cũng nêu lên một số vấn đề cần chú ý qua việc tiếp nhận các ý kiến của cử tri.

Vấn đề đầu tiên Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề cập là chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là công trình hạ tầng đầu tư công, trong đó có các công trình đường giao thông, có tình trạng xuống cấp rất nhanh.

“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi mà cử tri đã nói từ lâu rồi, đó là vì sao công trình làm lâu mà hỏng và xuống cấp nhanh, đặc biệt là công trình giao thông” – bà Nga nói, đồng thời dẫn chứng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe ngày 2/9/2018 vừa qua. Đây là đường cao tốc có mức đầu tư 34.500 tỷ đồng nhưng xuống cấp rất nhanh. Bà Nga hoan nghênh bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rất kịp thời, nhưng cũng đề nghị làm rõ các vụ việc cụ thể mà dư luận nêu, đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan.

Đặc biệt, bà Nga lưu ý làm rõ trách nhiệm giải trình của các cơ quan khi có phản ánh của báo chí, cử tri, tránh trường hợp né tránh trách nhiệm như Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa qua, khi có sự việc ổ gà, ổ trâu trên mặt đường thì ngay lập tức nói là do mưa, hoặc do phương tiện lưu thông làm rơi vãi dầu diezel...

Vấn đề thứ hai liên quan đến tội phạm ma túy, bà Lê Thị Nga đánh giá đây là vấn đề rất đáng quan ngại, đề nghị Chính phủ tập trung chống và kiểm soát các quán bar, vũ trường, lễ hội âm nhạc, ví dụ như lễ hội ở Hồ Tây khiến 7 người chết do sốc ma túy. Dư luận phản ánh nhiều dạng chất gây nghiện mới như bóng cười, shisha, tem lưỡi… xuất hiện nhiều và được ngang nhiên bán ở nhiều nơi tại các thành phố lớn nên đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung quản lý chặt quán bar, vũ trường.

Nhắc đến tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất, tài sản công xảy ra trong thời gian dài, có những vụ diễn ra trong giai đoạn trước có sự tiếp tay của người có chức quyền, bà Nga cho rằng có những tham nhũng lớn, có lợi ích, sân sau, gia đình đã dần dần nổi lên trong các vụ án trong thời gian qua. Bà đề nghị Chính phủ và cơ quan tư pháp có nhận diện đầy đủ và biện pháp xử lý đối với lợi ích nhóm, sân sau phù hợp với thực tế.

Đề nghị nhấn mạnh thêm về phòng chống tham nhũng trong báo cáo, bà Lê Thị Nga cho rằng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư – Trưởng Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương, công tác này đã được đẩy mạnh, thể hiện nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý.

“Với Chính phủ, mảng công tác này đã được đẩy mạnh thể hiện ở 2 lĩnh vực: Thanh tra đã đẩy nhanh kết luận các vụ việc mà dư luận quan tâm, như vụ AVG, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai ở Thủ Thiêm, Đà Nẵng và đôn đốc xử lý; điều tra các sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đánh bạc qua mạng, vụ Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ... đã thể hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ” – bà Nga dẫn chứng.

Liên quan đến tình trạng bạo hành trẻ em, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhắc lại vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại Thái Bình do 4 đối tượng xâm hại, trong đó có phó phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình. Theo bà Nga, tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng phức tạp hơn, qua một số vụ liên tiếp gần đây nên Chính phủ cần hết sức tập trung chống loại vi phạm này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua có thể thấy gặp không ít khó khăn, thách thức, có những tồn đọng từ những năm trước đó, nhưng với tinh thần vừa làm vừa tháo gỡ đã tạo sự đồng thuận.

“Điều rất mừng là quyết tâm chính trị cao đã chuyển thành những chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển KT-XHN. Chương trình hành động của các bộ ngành, uỷ ban và địa phương có hiệu quả, góp phần hoàn thiện thể chế” – bà Phóng nhấn mạnh, đồng thời nêu dẫn chứng có những đổi mới về chính sách đáng ghi nhận như giao vốn đầu tư công trung hạn một cách công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí có tác động tích cực trong chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành đất nước.

Một điểm nữa, theo Phó Chủ tịch Quốc hội là “điểm sáng” trong 3 năm qua, là phong cách lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp, gi

ải quyết vấn đề bức xúc phát sinh trong xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Công tác đối ngoại cũng làm tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

“Với khí thế mới và phong cách, quyết tâm chính trị cao như vậy thì thời gian tới cả hệ thống chính trị phát huy hơn nữa, chỉ đạo điều hành quyết liệt hơn nữa” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lạm phát, bội chi, nợ công đều kiểm soát trong tầm tay

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá báo cáo của Chính phủ khá rõ ràng, nhưng cần làm rõ thêm một số vấn đề, trong đó cần đánh giá vì sao năng suất lao động còn ở mức thấp và hiệu quả của sử dụng ngân sách ra sao. Xuất khẩu phụ thuộc vào FDI tương đối lớn, doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn.

Ông Tỵ cũng đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cho rằng cần có chính sách đánh giá dự phòng, bởi cuộc chiến này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, có thể đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ đưa ra những thách thức rất lớn.

Về xã hội, các hiện tượng tiêu cực được nêu ra nhiều nhưng ông Tỵ đề nghị đánh giá nguyên nhân tại sao xảy ra nhiều như vậy, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ra sao.

“Ví dụ vừa qua công an xử lý, giải quyết vụ ma tuý ở Lóng Luông rất tốt nhưng đặt ngược lại vấn đề, vì sao lại để xảy ra lâu thế, công tác quản lý địa bàn ở địa phương thế nào mà để vụ án lớn như thế, để công an phải mang cả xe thiết giáp đi đánh” – ông Tỵ nói và đề nghị phải làm rõ nguyên nhân, giải pháp.

Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị hết sức chú ý công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri. Ông đánh giá việc tiếp công dân theo luật nhiều nơi chưa làm được. Thông thường, người dân rất muốn gặp Chủ tịch tỉnh vì đó là cấp giải quyết cuối cùng, có thể quyết định vấn đề nhưng Chủ tịch lại giao cho cấp phó, thậm chí giao cho Ban tiếp công dân của tỉnh, như vậy là không được.

Ông đề nghị các địa phương phải tiếp công dân đúng theo Luật, để dân thấy được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá các báo cáo khá đầy đủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2018, mục tiêu tổng quát đề ra cơ bản chúng ta đã đạt và vượt, có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Song, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý những rủi ro, tác động của kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể có tác động tiêu cực. Bên cạnh đó là những rủi ro về lạm phát và tỷ giá.

Bà Ngân cũng đề cập đến các rào cản và thủ tục hành chính và công tác điều hành chỉ đạo ở một số nơi khiến doanh nghiệp vẫn còn kêu, có doanh nghiệp tư nhân dự án đã đầy đủ thủ tục nhưng theo đuổi cả chục năm vẫn chưa làm được. “Đó là những rào cản, do sợ sai, sợ trách nhiệm” – bà Ngân nói.

Đánh giá phát triển kinh tế trong 3 năm qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, con số ngày càng rõ hơn. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của ta rõ ràng tăng, được các tổ chức quốc tế công nhận, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, lạm phát, bội chi, nợ công đều kiểm soát trong tầm tay.

Cũng theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, đời sống vấn chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính có những chuyển biến mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương trong xã hội được duy trì ngày một tốt hơn.

Nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải chú ý chất lượng tăng trưởng kinh tế của ta đứng ở đâu so với khu vực, mức độ bền vững thế nào? Bà cũng cho rằng dù đâu đó còn có một số vụ việc tiêu cực nổi lên, nhưng không nên lấy một số tiêu cực để phủ nhận và quên đi hết các thành quả đạt được.

Cùng chuyên mục
Tin khác