VINAHUD chao đảo trong ‘game’ tài chính của ông Trương Quang Minh

Ái Châu Tử - 28/06/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Từng kinh doanh không quá tệ, nhưng khi “dính” vào “game” tài chính với R&H Group năm 2023, VINAHUD lập tức “lãnh đòn” khi báo lỗ tới 164 tỷ đồng trong năm này và lỗ thêm 51 tỷ đồng trong quý I/2024.

Hệ sinh thái của ông Trương Quang Minh

Với giới tài chính, ông Trương Quang Minh có thể xem là một nhân vật lớn, khi từ năm 2021 tới nay, ông đã 2 lần đảm nhiệm cương vị chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Đô Thị VINAHUD (UPCoM: VHD).

Nhưng trước các diễn biến này, từ năm 2019, ông đã kịp cùng các cộng sự dựng lên R&H Group – một nhóm công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, xây dựng, năng lượng…

Vào sơ kỳ, 2019 – 2020, R&H Group giới thiệu mình có 9 thành viên gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H (công ty mẹ); 3 công ty con: Công ty Cổ phần R&H Invest, Công ty Cổ phần R&H Power, Công ty Cổ phần R&H Construction; 5 đơn vị liên quan: Công ty Cổ phần trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên, Công ty Cổ phần Beru Group, Công ty Cổ phần Nghỉ dưỡng Viên Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Thiết kế nội ngoại thất lines design và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải.

Hoạt động của R&H Group trong các năm sau đó không có nhiều nổi bật, nếu như không muốn nói là rất bết bát. Đơn cử kết quả kinh doanh hợp nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H: năm 2021 chỉ lãi sau thuế 0,8 tỷ đồng, sang năm 2022 lỗ sau thuế tới 381 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục lỗ sau thuế 296 tỷ đồng. Như vậy, cho đến hết tháng 6 năm 2023, công ty này đã lỗ lũy kế tới 690 tỷ đồng. Do lỗ nặng, vốn chủ sở hữu của công ty bị bào mòn rất mạnh, từ 2.070 tỷ đồng (2021) xuống chỉ còn 1.148 tỷ đồng (thời điểm tháng 6/2023).

Điều ấn tượng gần như là duy nhất khiến giới quan sát phải nhớ tới Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H là nợ. Trong các năm 2021 – 2022, công ty này đã phát hành tới 8.150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Dư nợ trái phiếu được báo cáo trong các năm 2021 – 2022 lần lượt là 4.288 tỷ đồng và 7.500 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,07 lần và 4,98 lần vốn chủ sở hữu.

Cùng với các khoản vay ngân hàng, lần lượt đạt 41 tỷ đồng và 434 tỷ đồng trong các năm 2021 - 2022, tổng nợ phải trả của Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H đạt 4.469 tỷ đồng và 10.898 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,16 lần và 7,24 lần vốn chủ sở hữu. Tốc độ tăng trưởng của nợ phải trả giai đoạn này là 2,43 lần.

Trong cùng giai đoạn 2021 - 2022, VINAHUD lại làm ăn “không đến nỗi nào”. Công ty ghi nhận doanh thu thuần lần lượt là 356 tỷ đồng và 424 tỷ đồng, báo lãi sau thuế lần lượt là 13 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.

Trong 2 năm này, cấu trúc tài chính của VINAHUD cũng tương đối ổn với tổng tài sản tăng từ 454 tỷ đồng lên 589 tỷ đồng (tăng 29%). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm phần lớn và tăng 5%, từ 391 tỷ đồng lên 411 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất thấp, chỉ 0,16% và 0,43%.

Năm 2023 “định mệnh”

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, hoạt động của VINAHUD đã bị xáo trộn cực mạnh do bị cuốn vào “game” tài chính với R&H Group.

Cụ thể, đầu năm 2023, VINAHUD đã liên tiếp mua lại 2 công ty của R&H Group là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends và Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng. Trong đó, việc mua lại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends được chia làm 2 đợt: đợt 1 mua 17% vào ngày 3/3/2023, đợt 2 mua 83% vào ngày 12/4/2023. Còn với Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, VINAHUD mua một lần 100% vốn vào ngày 24/4/2023. Tổng giá trị của 2 thương vụ này lên tới 1.937 tỷ đồng, trong đó 80% vốn, tương đương 1.550 tỷ đồng, được thu xếp bởi TPBank.

Việc phải đi vay để mua lại 2 công ty trên và sau đó hợp nhất 2 công ty đó vào báo cáo tài chính đã khiến cấu trúc tài sản của VINAHUD biến đổi theo chiều hướng xấu đi một cách nghiêm trọng. Vào thời điểm cuối năm 2023, nợ phải trả của công ty lên tới 4.729 tỷ đồng, tăng gấp 26,7 lần so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ 0,43 lần (năm 2022) vọt lên 19,2 lần (năm 2023).

Các khoản phải thu vào cuối năm 2023 đạt 1.910 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm trước, nâng tổng tỷ trọng trong cơ cấu tài sản từ 30,8% (năm 2022) lên 38,3% (năm 2023). Tương tự là hàng tồn kho, tăng 81 lần so với năm trước, lên 1.542 tỷ đồng; tỷ trọng trong cơ cấu tài sản đột khởi từ 3,2% (năm 2022) lên tới 30,9% (năm 2023).

Về kinh doanh, nếu như các năm 2021- 2022, VINAHUD vẫn có lãi thì sau “game” hợp nhất nêu trên, công ty báo lỗ tới 164 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí tài chính quá lớn (đạt 170 tỷ đồng, tăng tới 85 lần so với năm trước).

Bước sang quý I/2024, dư âm của cuộc mua bán vẫn còn nặng nề. VINAHUD báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng, vẫn chủ yếu do chi phí tài chính lớn (đạt 55 tỷ đồng, tăng gấp 18 lần cùng kỳ).

Sự “khốn khổ” của VINAHUD lại là niềm vui của R&H Group. Cần biết rằng 2 thương vụ mua bán nêu trên diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá là 2.500 tỷ đồng của R&H Group đáo hạn. Kết quả là năm 2023, R&H Group đã trả được 2.500 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu kèm 742 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

Kết quả này đã giúp R&H Group cải thiện được phần nào bức tranh tài chính của mình. Theo đó, cho đến tháng 6/2023, dư nợ trái phiếu của R&H Group chỉ còn 5.000 tỷ đồng, kéo nợ phải trả xuống còn 8.946 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm.

Như vậy, có thể thấy, giữa VINAHUD và R&H Group – 2 đơn vị đều do ông Trương Quang Minh làm chủ tịch HĐQT – đã có một cuộc “chuyển giao nợ nần”. Không quá khi nói rằng, VINAHUD đang đóng vai là bên vay tiền để bơm cho R&H Group xử lý các vấn đề tài chính, dưới hình thức là những cuộc mua bán cổ phần công ty thành viên. Và những gì xảy ra trong năm 2023 đã cho thấy, VINAHUD là bên gánh hậu quả.

Triển vọng đến đâu?

Nói cho công bằng, 2 công ty mà VINAHUD tiếp nhận từ R&H Group cũng không phải là không có gì đáng giá. Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends hiện sở hữu gần 51% vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải - chủ đầu tư dự án khu du lịch tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có tên thương mại là Grand Mercure. Cùng với phần 49% mua từ năm 2021, VINAHUD hiện sở hữu 99,99% cổ phần Công ty Xuân Phú Hải.

Còn với Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, đơn vị này sở hữu khoảng 40% vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Prime Land - chủ đầu tư dự án khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

2 dự án này đều có triển vọng, tuy nhiên triển vọng này không quá sáng sủa trong ngắn hạn. Thuyết minh của VINAHUD cho hay Grand Mercure đến năm 2023 vẫn đang phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng, hoàn thiện khối biệt thự và chuẩn bị cho công tác xây dựng, kinh doanh khối khách sạn cao tầng. Còn với khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong, dự án cũng còn trong tình trạng phải hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định.

Nhận về 2 công ty với 2 dự án dở dang, chưa hẹn ngày về đích, với VINAHUD mà nói cũng như câu chuyện cổ xưa – “ông già được ngựa”, chưa hẳn đã là tin đáng mừng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa diễn ra cách đây ít ngày, lãnh đạo VINAHUD cũng phải thừa nhận với cổ đông rằng kế hoạch kinh doanh năm nay không có nhiều cơ sở để trông cậy. Theo đó, công ty cho biết, từ cuối năm nay cho đến năm sau, công ty sẽ thúc đẩy lại chương trình bán hàng tại Grand Mercure. Đồng thời, trong năm 2024, công ty sẽ tìm kiếm nhà đầu tư liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Prime Land để bán một phần vốn, nhằm trang trải nợ nần và hi vọng hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận (18,75 tỷ đồng).

Tất cả chỉ có thế, và cũng vì thế, VINAHUD dường như mong manh hơn bao giờ hết…

Sau cơn sốt giá, chung cư ở Hà Nội đắt gần bằng TP.HCM

Sau cơn sốt giá, chung cư ở Hà Nội đắt gần bằng TP.HCM

Bất động sản
(VNF) - Thị trường bất động sản Việt Nam nửa đầu năm 2024 đang ở giai đoạn củng cố, chờ đợi thời điểm bứt tốc, trong đó đã có những dấu hiệu sớm cho thấy điểm đảo chiều ở một số phân khúc, loại hình.
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
13.000 căn nhà tái định cư bỏ hoang: Người cần không có, người có không ở

13.000 căn nhà tái định cư bỏ hoang: Người cần không có, người có không ở

(VNF) - Theo Hội Môi giới Bất động sản, hiện tượng nhà tái định cư bỏ hoang không còn hiếm gặp, riêng Hà Nội và TP. HCM có ít nhất 13.000 căn.

Nhà thầu nghìn tỷ Tân Thành, 'chuyên sâu' giao thông vận tải Thanh Hoá

Nhà thầu nghìn tỷ Tân Thành, 'chuyên sâu' giao thông vận tải Thanh Hoá

(VNF) - Trong năm 2023, Công ty cổ phần Tân Thành trúng ít nhất 20 gói thầu tại Ban quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng, thuộc Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá. Điều đáng nói là các gói thầu hầu hết đều có tỷ lệ tiết kiệm rất thấp cho ngân sách.

Chiêm ngưỡng siêu du thuyền 300 triệu USD của Mark Zuckerberg

Chiêm ngưỡng siêu du thuyền 300 triệu USD của Mark Zuckerberg

(VNF) - Du thuyền Launchpad dài 118m, có sân bay trực thăng và bể bơi trên boong chính. Chi phí bảo trì mỗi năm khoảng 30 triệu USD.

Đầu tư cao tốc tỷ USD Gia Nghĩa - Chơn Thành: Rộng 4 làn đường, tốc độ 120km/h

Đầu tư cao tốc tỷ USD Gia Nghĩa - Chơn Thành: Rộng 4 làn đường, tốc độ 120km/h

(VNF) - Cao tốc tỷ USD Gia Nghĩa - Chơn Thành đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo phương thức PPP với quy mô 4 làn xe, tốc độ tối đa 120km/h.

Nhà máy ô tô 7.000 tỷ 'bế tắc' với 5,5 triệu m3 đất dư thừa

Nhà máy ô tô 7.000 tỷ 'bế tắc' với 5,5 triệu m3 đất dư thừa

(VNF) - Dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, máy xây dựng dư thừa 5,5 triệu m3 đất trong quá trình san lấp. Đây là tài nguyên khoáng sản nhiều nơi cần nhưng chỗ thừa muốn chuyển đi cũng không dễ.

DN bảo hiểm lớn nhất Việt Nam thoái vốn nhà nước, tập đoàn  ngoại chờ thâu tóm?

DN bảo hiểm lớn nhất Việt Nam thoái vốn nhà nước, tập đoàn ngoại chờ thâu tóm?

(VNF) - Hai "ông lớn" trong ngành bảo hiểm là BVH và PVI đã thông báo kế hoạch thoái vốn nhà nước trong thời gian tới. Việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Thu nhập từ 100.000 USD/năm, nhiều người Mỹ vẫn sống chật vật

Thu nhập từ 100.000 USD/năm, nhiều người Mỹ vẫn sống chật vật

(VNF) - Theo một cuộc khảo sát vừa được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia (Philly Fed) công bố, khoảng 1/3 người Mỹ có mức lương sáu con số đang lo lắng về việc thanh toán các hóa đơn của mình.

Xác thực sinh trắc học không phải 'đũa thần' chống lừa đảo

Xác thực sinh trắc học không phải 'đũa thần' chống lừa đảo

(VNF) - Theo TS Joshua Dwight, Giảng viên ngành Công nghệ thông tin, Đại học RMIT Việt Nam, áp dụng sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến là một trong những phương thức đảm bảo an toàn tốt nhất hiện nay nhưng không có nghĩa là giúp chủ tài khoản tránh được mọi hình thức lừa đảo.

Thu phí giao thông cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt từ 30/9

Thu phí giao thông cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt từ 30/9

(VNF) - Sau khi thông xe toàn tuyến, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh triển khai thu phí từ 30/9. Phí sử dụng cho xe chạy trên tuyến đường này thấp nhất là 1.700 đồng/1km và cao nhất 6.460 đồng/km tùy thuộc vào từng loại xe...