Tài chính

WB: 'Không nên đốt cả ngôi nhà để giết một con chuột'

(VNF) - Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam không nên đóng lại một vài kênh phát hành/đầu tư chỉ vì có một vài thành viên xấu. Giống như việc không nên đốt cả ngôi nhà để giết một con chuột.

WB: 'Không nên đốt cả ngôi nhà để giết một con chuột'

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) phát biểu tại hội nghị.

Trong bài tham luận gửi đến hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững", tổ chức chiều 22/4, ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc khối nghiệp vụ về tài chính, năng lực canh tranh và đổi mới sáng tạo, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đang bắt kịp với các quốc gia trong khu vực, về quy mô thị trường.

Theo ông Zafer Mustafaegl, đây là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho thị trường, bao gồm thông qua các định hướng chính sách, quy định và rất nhiều diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận về phát triển thị trường.

"Quy mô thị trường vốn so với GDP đang tăng lên nhưng cần tăng hơn nữa, không chỉ vậy, điều quan trọng hơn là chất lượng các thị trường của Việt Nam hiện chưa tương xứng với quy mô. Bằng chứng là Việt Nam vẫn đứng sau các quốc gia so sánh trong khu vực. Tất cả các quốc gia khác mà Việt Nam muốn đuổi kịp về trình độ phát triển đều đã nằm trong nhóm thị trường mới nổi hoặc cao hơn, trong khi bản thân Việt Nam vẫn trong nhóm thị trường cận biên", ông Zafer Mustafaegl nói.

Theo đại diện WB, quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất; thứ đến là 10%, thuộc về Maroc. 

"Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ", ông Zafer Mustafaegl ví von.

Cũng theo đại diện WB, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam. Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ.

Đại diện WB cho rằng để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả; đồng thời giới thiệu khái niệm "sáu con mắt" (6 chữ I trong tiếng Anh). Đây là 6 yếu tố của nền tảng thị trường cần được quan tâm sát sao.

Thứ nhất là thể chế, cụ thể là những thể chế tạo ra chính sách, ban hành quy định, thực hiện chức năng giám sát và thực thi hiệu lực. Theo đại diện WB, quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách cách không công bằng. Giám sát hiệu quả và thực thi hiệu quả chính là chìa khóa.

Thứ hai là hạ tầng, thị trường cần những hạ tầng cứng và mềm để đảm bảo giao dịch, thanh toán, bù trừ ổn hiệu quả. Chìa khóa ở đây là giao dịch và thanh toán hiệu quả và an toàn. Thị trường cũng cần nền tảng để thu thập và chia sẻ thông tin một cách đáng tin cậy kịp thời và đáng tin cậy, bao gồm thông tin về chứng khoán, doanh nghiệp, giá cả và giao dịch…

Điều đó khiến cho thị trường trở nên minh bạch hơn và là điều kiện cần để thị trường hoạt động hiệu quả. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm là một phần quan trọng của hạ tầng thông tin. Đánh giá định mức tín nhiệm nên được thúc đẩy ở Việt Nam.

Ba con mắt tiếp theo là bên phát hành, nhà đầu tư và tổ chức trung gian. Với bên phát hành, WB cho rằng chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, dù lớn dù nhỏ, là doanh nghiệp nhà nước hay dân doanh, là công ty đại chúng hay tư nhân, đều có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp, một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Họ đều là bộ phận của các thị trường vốn.

Còn với nhà đầu tư, đây chính là máu đưa ôxy đến các bộ phận của thị trường. Bảo vệ nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán. Nhà đầu tư cần được giáo dục. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận rằng không phải tất cả các loại chứng khoán đều phù hợp với mọi nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Một số loại chứng khoán, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cần được duy trì trong thị trường chuyên nghiệp hoặc đòi hỏi trình độ cao hơn.

Định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể được thắt chặt, để ngăn ngừa các nhà đầu tư thiếu kiến thức và kỹ năng phân tích mua chứng khoán mà thực sự không phù hợp với họ. Thông thường các quỹ đầu tư hoặc quy tín thác, có vai trò hữu ích để tập hợp các khoản tiết kiệm và đầu tư chúng một cách chuyên nghiệp.

"Đưa định mức tín nhiệm vào cân nhắc khi ra quyết định đầu tư cũng là yếu tố rất quan trọng. Chính phủ có thể cân nhắc về áp dụng định mức tín nhiệm vào các quy định về đầu tư của quỹ bảo hiểm, hưu trí và quỹ tương hỗ", WB nhấn mạnh.

Với các tổ chức trung gian, đại diện WB cho rằng trung gian chứng khoán là một hoạt động đòi hỏi phải được cấp phép và giám sát chặt chẽ. Các tổ chức trung gian khác nhau có vai trò khác nhau, ví dụ môi giới chứng khoán không được nhận tiền gửi kỳ hạn, đại diện bán của ngân hàng không thể bán chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) cho khách hàng. Những người này phải được cấp phép hành nghề, họ phải tuân thủ chuẩn mực hành vi tốt và chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ sai phạm nào.

"Con mắt" cuối cùng theo đại diện WB là công cụ. Hiểu được các công cụ khác nhau là chìa khóa để ban hành chính sách. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chào bán đại chúng và thị trường phát hành riêng lẻ có sự khác biệt. Trên thị trường chào bán đại chúng, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hài hòa quy trình phê duyệt phát hành và niêm yết trái phiếu, để thủ tục trở nên nhanh hơn. Nên khuyến khích các doanh nghiệp tốt tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đại chúng sẽ giúp họ tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư rộng hơn.

Cũng theo đại diện WB, với những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, WB lưu ý rằng thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, sai sót là bình thường, chuyện xấu vẫn có thể xảy ra, ngay cả đối với các thị trường phát triển ở trình độ cao.

"Quan trọng hơn là cách thức học hỏi từ sai lầm. Không nên tránh không làm nữa mà nên làm theo cách tốt hơn, không nên đóng lại một vài kênh phát hành/đầu tư chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu. Không nên đốt cả ngôi nhà để giết một con chuột", tham luận của WB nêu rõ. 

WB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt nam cũng cần mở hơn với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường.

Tin mới lên