Bất động sản

Dự án BOT: Đến thời bánh đúc có xương

(VNF) – Từng là miếng bánh béo bở được các đại gia tranh nhau nhưng với việc tín dụng ngày càng khó khăn, việc giám sát trở nên chặt chẽ và lợi nhuận xuống dốc, BOT đang dần bị "thất sủng" trong danh mục đầu tư của không ít đơn vị.

Dự án BOT: Đến thời bánh đúc có xương

Dự án BOT đã không còn là "trái ngọt" cho các nhà đầu tư?

Khế ngọt hóa chua

Cách đây 1 năm, Công ty Cổ phần Tasco đã phải làm công văn giải trình với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Lý do là trong quý I/2016, lợi nhuận của công ty lên tới 84 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khoản doanh thu từ BOT đạt 99 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào mức lợi nhuận khủng trên.

Tasco hiện đang là một trong những tên tuổi đầu tư dự án BOT lớn nhất cả nước. Đơn vị này là chủ đầu tư của một loạt dự án như: Dự án nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua Thái Bình; đoạn tuyến tránh thành phố Nam Định từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc; Quốc lộ 21; Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình; Quốc lộ 10 đi Hải Phòng; đường 39B Thái Bình; tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình)...

Ngoài ra, Tasco cũng đang đẩy mạnh việc rót vốn vào các dự án khác như: công trình đường Hồ Chí Minh (từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn) và nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà, Phú Thọ (tổng vốn đầu tư 1.109 tỷ đồng, cuối năm 2016 đưa vào khai thác); Công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, Hải Phòng (tổng vốn đầu tư là 2.851 tỷ đồng, cuối năm 2017 đưa vào khai thác)...

Các dự án này của Tasco có đa phần hạng mục là cải tạo và nâng cấp nên chi phí bỏ ra không quá lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp này lại được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi cố định nên hiệu quả đầu tư luôn được đánh giá là hết sức khả quan.

Dự án BOT Đến thời bánh đúc có xương ảnh 1

Tasco "dứt tình" với mảng BOT do tỷ suất lợi nhuận thấp

Thế nhưng, trung tuần tháng 3 năm nay, Tasco lại bất ngờ tuyên bố sẽ chia tay BOT. Lý do đưa ra là tỷ suất sinh lời của mảng kinh doanh này đến nay không còn đột phá, trong khi chủ đầu tư lại bị "chôn" vốn quá lâu. (Theo tính toán hiện nay, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) mỗi năm của mảng BOT khoảng 11,5%)

Theo phân tích của ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco, hợp đồng BOT chỉ quy định 11-12% lãi trên vốn chủ sở hữu.

"Lợi nhuận mà doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập là 22%, trừ đi lãi đưa về là 8 – 9%, trong khi cam kết cổ đông là 12 – 15%, thì hỏi rằng lợi nhuận ở đâu ra", ông Phạm Quang Dũng nói.

Do đó, trong lần tuyên bố chia tay này, dù vẫn lưu ý sẽ tiếp tục triển khai các dự án hiện tại nhưng Tasco đã khẳng định sẵn sàng chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài để đổ vốn vào các ngành khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như bất động sản, y tế, công nghệ…

Lợi nhuận thấp hay không xoay được tiền?

Lợi nhuận thấp rõ ràng là một động lực khiến đại gia BOT buông tay, thế nhưng đó chưa hẳn là lý do chủ yếu nhất.

Theo phân tích của các chuyên gia, đa số các nhà đầu tư BOT hiện nay luôn trong tình trạng "tay không bắt giặc". Nhiều dự án, chủ đầu tư chỉ có 15-20% vốn, còn lại đi vay ngân hàng.

Chẳng hạn như dự án mở rộng đoạn Quốc lộ 1 qua Bình Thuận có tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chỉ có 400 tỷ đồng; Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn đi Phú Yên có vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư cũng chỉ có 280 tỷ, còn lại là đi vay.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2016, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015. Riêng 3 ngân hàng BIDV, VietinBank và SHB, tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm tới 85,64%, dư nợ chiếm 85,3% so với toàn ngành.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát đi hàng loạt cảnh báo về việc bơm vốn cho các dự án này. Chẳng hạn như công văn số 3257/NHNN-TTGSNH ngày 06/5; Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 15/7; và công văn số 6395/NHNN-TD ngày 29/8 yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay dự án BOT, BT giao thông.

Đầu tháng 2/2017, trong một báo cáo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng tháng 1/2017 và định hướng năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

Dự án BOT Đến thời bánh đúc có xương ảnh 2

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thay tướng giữa dòng nhưng không chắc chắn đảm bảo được tiến độ như kế hoạch

Các động thái này của Ngân hàng Nhà nước đã khiến không ít nhà đầu tư BOT trở nên "cùng quẫn" do không xoay được vốn. Điển hình là việc liên danh nhà đầu tư do Công ty Cổ phần đầu tư UDIC đứng đầu đã phải "tháo chạy" khỏi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (tổng mức đầu tư 11.765 tỷ đồng)

Cụ thể, tính đến tháng 3/2017, liên danh nhà đầu tư này mới huy động được 550 tỷ đồng trong số 1.294 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng BOT. Cùng đó, toàn bộ vốn tín dụng phục vụ cho dự án lên tới hơn 10.000 tỷ đồng hiện mới chỉ dừng ở mức cam kết chung chung, chưa dự kiến được thời điểm ký hợp đồng tín dụng, lộ trình giải ngân cho nguồn vốn này.

Khó khăn do xoay vốn đã khiến UDIC phải nhường dự án này lại cho Geleximco. Nhưng bản thân Geleximco cũng cho biết mới thu xếp được khoảng 5.800 tỷ đồng trong số 11.765 tỷ đồng tổng vốn đầu tư dự án từ các ngân hàng ABBank,TPBank, Agribank. Số vốn này chưa chiếm đến 50% vốn để triển khai. Vì thế khả năng cán đích của cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vẫn còn là dấu chấm hỏi. Trước đó, Geleximco cũng đã buông dự án Hòa Lạc – Hòa Bình khiến Bộ Giao thông vận tải phải "cuống cuồng" tìm cách giải cứu.

Không chỉ khó khăn vì xoay vốn, các chủ đầu tư dự án BOT hiện đang phải đối diện với "làn sóng" thanh tra mạnh mẽ từ Kiểm toán Nhà nước. Kết quả kiểm tra 27 dự án BOT hồi tháng 2 vừa qua khiến gần 100 năm thu phí bị "bốc hơi" ra khỏi túi các chủ đầu tư là một "cú sốc" đối với những ai đang mộng tưởng "hốt bạc" từ BOT.

Dự án BOT Đến thời bánh đúc có xương ảnh 3

Các trạm thu phí xuất hiện dày đặc đã tạo ra sự bức xúc tại nhiều nơi có dự án BOT. Nguồn ảnh: Zing.vn

Ngoài ra, hiện các chủ đầu tư cũng đang phải loay hoay trong "tâm bão" bức xúc và các hành động đấu tranh của người dân nơi có dự án BOT. Điều này, trong chừng mực, sẽ thúc đẩy Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính phải sớm hiện thực hóa các đề nghị của Kiểm toán Nhà nước như: đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch; đặt ra quy định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, trong đó quy định khung tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án…

Nếu các đề nghị trên trở thành hiện thực, miếng bánh đúc BOT sẽ trở nên đầy rẫy xương xẩu. Khi đó, nhiều khả năng câu nói của Chủ tịch HĐQT Tasco - Phạm Quang Dũng "làm BOT cho khỏi thất nghiệp" sẽ trở nên chính xác về nghĩa đen hơn bao giờ hết.

Tin mới lên