Bất động sản

6 nhà đầu tư muốn làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT

Liên danh các nhà đầu tư Cái Mép – Thái Sơn – VINACONEX E&C – Công ty Cổ phần Cầu 12 – Khánh An – Cienco1 vừa có đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đầu tư BOT.

6 nhà đầu tư muốn làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT

Phối cảnh tổng thể dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Theo đó, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái quy mô 4 làn xe, với vận tốc thiết kế 100km/h sẽ có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng theo hình thức BOT. Thời gian thi công khoảng 3 năm và thời gian thu phí 25 năm.

Dự án có chiều dài khoảng 91,17km với điểm đầu dự án tại Km59+556,36 - nút giao Đoàn Kết, thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn; điểm cuối tại Km150+725,03 - giao đường tỉnh 335, trùng với điểm đầu dự án cầu Bắc Luân, thuộc địa phận TP Móng Cái. Dự án sẽ đi qua 5 địa phương, gồm: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: hiện liên danh nhà đầu tư đã chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất hướng tuyến, quy mô dự án về cơ bản phù hợp. 

Sau khi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến, liên danh nhà đầu tư sẽ hoàn thiện nghiên cứu dự án để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Sau đó tỉnh sẽ xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. 

Trước đó, hồi đầu tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao địa phương này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thay thế cho phương án đề xuất giao Bộ GTVT thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện đầu tư như hồi giữa tháng 2/2016.

Hơn nữa lý do mà Quảng Ninh đưa ra là nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất lâu và không hoàn thành theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ là trước năm 2020.

Mặt khác, theo tính toán của Bộ GTVT thì  tổng mức đầu tư cho dự án là 810 triệu USD và để giảm thiểu áp lực vay nợ nước ngoài và khả năng đáp ứng vốn cho dự án, Bộ này sẽ tiến hành phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có tổng mức đầu tư 382,2 triệu USD, vừa khít với khoản tín dụng ưu đãi bên mua của China Eximbank (300 triệu USD), phần còn lại sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Liên quan đến đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cho rằng, các điều kiện vay của khoản tín dụng 300 triệu USD chưa đủ ưu đãi để sử dụng cho dự án theo cơ chế cấp phát. Do vậy, chủ trương này của Bộ GTVT cần được cân nhắc kỹ hơn.

Tin mới lên