Bài học đắt giá từ 'tâm chấn' đổ vỡ trái phiếu doanh nghiệp

Nam Phương - 18/10/2022 00:03 (GMT+7)

(VNF) - “Tâm chấn” đổ vỡ trái phiếu liên quan tới các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông vẫn còn đó. Nhà đầu tư cần có thái độ ứng xử như thế nào trước “cơn sốc” đổ vỡ? Bài học đắt giá và giải pháp nào để thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn? VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lê Thanh Vân xung quanh vấn đề trên.

VNF
ĐBQH Lê Thanh Vân

- Dư luận cho rằng vụ việc vi phạm pháp luật trong mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên quan tới kinh doanh bất động sản tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, một doanh nghiệp lớn thuộc hê sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã gây nhiều hệ lụy cho thị trường vốn, làm mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Ông có bình luận gì về điều này?   

ĐBQH Lê Thanh Vân: Không thể phủ nhận TPDN trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp, giảm sức nặng cho kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường cùng tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản, rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản rõ ràng gia tăng.

Qua đó, có thể thấy công tác điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn có tình trạng “chuyển trạng thái đột ngột”, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao. Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch đã có những ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của nhà đầu tư. 

- Những vụ việc này đang đặt ra câu hỏi, ai quản lý, cấp phép, kiểm tra các doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng phát hành TPDN, và đâu là bài học rút ra từ sự đổ vỡ trên, thưa ông?

Hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng thời gian vừa qua thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hướng dẫn tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Việc phát hành không phải đăng ký, báo cáo hay phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Thị trường này phụ thuộc lớn vào sự chủ động, tính tuân thủ của các chủ thể tham gia: doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và nhà đầu tư.

Pháp luật quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, tự trách nhiệm khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu. Nhưng thực tế cho thấy, các đại lý, đơn vị tư vấn phát hành đã cố ý bỏ qua quy định này, mời chào tất cả những ai có nhu cầu và có tiền. Người mua do thiếu chuyên nghiệp, không nắm được các quy định và không có kiến thức nên dễ dàng chấp nhận giao dịch. Điều này phản ánh chất lượng cả hai phía “cung” và “cầu” trên thị trường đang rất có vấn đề.

Thực tế đó cũng phản ánh những quy định pháp luật rất mờ nhạt về trách nhiệm, các biện pháp chế tài khi vi phạm của các đơn vị có liên quan như chủ thể phát hành, đại lý phát hành, tổ chức tư vấn phát hành, cơ quan quản lý nhà nước. Rõ ràng, họ là đơn vị hiểu doanh nghiệp phát hành nhất. Nếu có vấn đề phát sinh như hiện tại thì những đơn vị này phải có trách nhiệm liên đới.

Bài học đắt giá từ sự đổ vỡ vừa qua là phải bổ sung các quy định rất cụ thể, chặt chẽ về công tác giám sát, thanh kiểm tra hoạt động mua bán trái phiếu, đồng thời phải có chế tài rất mạnh đối với những đơn vị vi phạm. Rõ ràng, nếu sớm răn đe và có chế tài đích đáng của pháp luật, áp lực trách nhiệm sẽ khiến cho các đơn vị tư vấn phải thận trọng  hơn trong việc lựa chọn hồ sơ tư vấn, đại lý phát hành cũng sẽ tuân thủ tốt hơn việc lựa chọn người mua, sẽ tránh việc cố ý thông đồng giữa các đơn vị này với doanh nghiệp phát hành nhằm xâm phạm lợi ích của nhà đầu tư.

- Với kinh nghiệm lâu năm, ông từng cảnh báo và cho rằng phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, cũng như tăng các chế tài xử lý để lành mạnh hóa thị trường này. Vậy hiện nay, các quy định của pháp luật đã thực sự theo kịp thực tế chưa, thưa ông? 

Giữa tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 65) với nhiều quy định mới như bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và trách nhiệm của UBCKNN. Hay bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua TP riêng lẻ.

Một điểm mới tích cực trong Nghị định 65 là quy định về chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán. Đây là một trách nhiệm quan trọng của Sở giao dịch chứng khoán và cũng là một trong những cách bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư hiệu quả khi minh bạch thông tin.

Khác với cổ phiếu, trái phiếu là một công cụ huy động vốn mà doanh nghiệp có thể phát hành nhiều loại, nhiều đợt khác nhau và khả năng trả nợ hay rủi ro bị vỡ nợ là điều mà nhà đầu tư trái phiếu quan tâm nhất. Khi nhà đầu tư có thể biết được hiện trạng về các chỉ số nợ, khả năng thanh toán nợ, chi tiết dư nợ vay trái phiếu thì họ mới kiểm soát được rủi ro của khoản đầu tư.

Với quy định mới, việc phát hành trái phiếu của các công ty sẽ chặt hơn. Chẳng hạn, Nghị định 65 yêu cầu từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp nếu phát hành trái phiếu có tổng giá trị huy động trên 500 tỷ đồng hay cao hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu thì phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Đây là một bước tiến lớn trong quy định liên quan về trái phiếu của doanh nghiệp. Việc xếp hạng tín nhiệm là một cuộc khám sức khỏe tổng thể của các doanh nghiệp vì phải cung cấp đầy đủ mọi thông tin liên quan. Còn với các nhà đầu tư khi đã xác định là chuyên nghiệp mới được mua TPDN và tự chịu trách nhiệm với tiền của mình.

- Nhiều người mua đang lo lắng về hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền, dư luận thì ồn ào về chuyện có hay không khả năng vỡ nợ của thị trường trái phiếu, vậy theo ông, đâu là thái độ ứng xử đúng của nhà đầu tư lúc này?

Trái phiếu là kênh huy động vốn mới của doanh nghiệp nên dễ nhạy cảm với nhà đầu tư. Đối với các ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được công bố trên báo cáo tài chính thường khoảng 1,5% đến 2%. Vậy nên với trái phiếu, dư nợ hiện nay khoảng 1,5 đến 1,6 triệu tỷ đồng thì chúng ta cũng không có gì quá hốt hoảng hay bất ngờ nếu có khoảng 1% - 3% số doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc.  

Do đó, các nhà đầu tư, nên bình tĩnh trước mọi ồn ào chưa có căn cứ của dư luận, tránh thất thiệt cho chính bản thân. Bộ Tài chính mới đây cũng đã thông tin, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc, người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành. Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Dẫu vậy, theo tôi cơ quan quản lý cần sớm đưa ra những quy định chi tiết về vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Khi nào nhà phát hành bị coi là vỡ nợ? Nhà phát hành có thể chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu trong bao lâu (chẳng hạn khi doanh nghiệp vay ngân hàng thì nợ quá hạn trên 90 ngày mới bị coi là nợ xấu)? Quy định về các thứ tự ưu tiên thanh toán cho các trái chủ khi doanh nghiệp phá sản? Cùng với đó là các tiêu chí phân hạng chất lượng tín dụng của trái phiếu, tương tự như hệ thống ngân hàng phân loại nợ xấu thành 5 nhóm.

Những quy định này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà cũng đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Trong nhiều tình huống, doanh nghiệp họ cũng chỉ mất thanh khoản tạm thời thôi, không trả được lãi vài ngày thôi mà đã nêu tên lên báo chí ầm ĩ, rồi người mua ồ ạt đòi rút tiền thì họ "chết" luôn. Chúng ta cần công bằng cho tất cả.

Ở một cấp độ cao hơn, Chính phủ cần có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng trước diễn biễn đã qua để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn. Chính phủ cần nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tin khác