'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bốn cơ hội trong năm 2024
Tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” tại TP. HCM chiều 18/1, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, cơ hội mở ra đầu tiên cho thị trường BĐS 2024 chính là tin vui về hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường bằng việc Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật về các tổ chức tín dụng.
"Có thể thấy thời quan qua Chính phủ đã tích cực trình Quốc hội 4 dự án Luật lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tất cả dự án Luật sửa đổi đã được thông qua với nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư và nhiều điểm có hiệu lực ngay, đáp ứng nhu cầu tháo gỡ pháp lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp", ông Sinh nói.
Cơ hội thứ hai cho thị trường BĐS 2004 theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đó là việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Theo đó, phấn đấu năm 2024 hoàn thành 130.000 căn NƠXH, thúc đẩy các phân khúc của thị trường BĐS tốt lên.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, cơ hội thứ ba không kém phần quan trọng là Chính phủ đã tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường BĐS.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp.
Tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn 6385/NHNN-CSTT về giảm lãi suất cho vay, trong đó yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Song song đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay ở các ngân hàng thương mại đã quay về tiệm cận so với mức tại thời điểm trước dịch, khiến người dân dần chuyển dịch dòng tiền, tìm đến những kênh đầu tư sinh lời khác với mức sinh lợi hấp dẫn hơn.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 749/CĐ-TTg về việc chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Đây được kỳ vọng mang đến những cú huých hạ tầng giao thông, tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển bền vững của thị trường BĐS trong tương lai.
Cơ hội thứ 4 theo TS Cấn Văn Lực là các vướng mắc pháp lý ở các dự án đã và đang có những chuyển biến tích cực sau những chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ thông qua: Nghị quyết 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ các vấn đề về trái phiếu; Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, mở ra cửa sáng cho việc cấp sổ Condotel; Thông tư 10/2023/TT-NHNN về việc ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Cơ cấu chưa phù hợp và giá thành sản phẩm còn cao
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, còn hai thách thức đối với thị trường BĐS 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm.
“Từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp BĐS cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, NƠXH, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp. Động thái này là minh chứng cho nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh bền vững”, ông Sinh chia sẻ.
Theo đó, để thị trường BĐS tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các doanh nghiệp BĐS thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
“Chính Phủ đã vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ rồi, doanh nghiệp cũng cần phải chia sẻ khó khăn, cùng giảm giá thành mạnh hơn nữa, tiệm cận với khả năng của người mua, nếu không đây sẽ là một thách thức không nhỏ trong năm 2024”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) cho hay, trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng, phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Các doanh nghiệp BĐS tập trung vào các dự án chung cư vừa túi tiền, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm thay vì tập trung vào chung cư cao cấp như thời gian vừa qua.
Còn theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea), để tháo gỡ bất ổn liên quan đến bất hợp lý trong cơ cấu nhà ở do lệch pha cung cầu, các địa phương cần xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp Chiến lược phát triển nhà quốc gia ở 2030-2045, có sự cân đối cung cầu các phân khúc BĐS. Đồng thời cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về cách thức huy động các nguồn lực khác từ xã hội và có giải pháp hữu hiệu để phát triển NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, tăng cường hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư nhà ở xã hội. Bố trí đầy đủ quỹ đất xây dựng NƠXH trong quy hoạch đô thị.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.