Becamex IDC rút lui, Vingroup nhảy vào khu công nghiệp Nam Cam Ranh

Lệ Chi - 03/09/2020 19:11 (GMT+7)

(VNF) - Trước động thái Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) xin tạm dừng nghiên cứu đầu tư dự án khu công nghiệp Nam Cam Ranh (Khánh Hòa), Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes đã xin đầu tư vào dự án này.

VNF
Becamex IDC rút lui, Vingroup nhảy vào khu công nghiệp Nam Cam Ranh (ảnh minh họa)

Vingroup nhảy vào dự án “treo” hơn 1 thập kỷ

Đại diện Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong cho biết đơn vị đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét chấm dứt việc nghiên cứu đầu tư dự án của Becamex IDC và cho phép Công ty Khu công nghiệp Vinhomes nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp Nam Cam Ranh (350ha) theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo vị đại diện, nếu Công ty Khu công nghiệp Vinhomes được đầu tư sẽ không gặp những vướng mắc tương tự Becamex IDC, việc triển khai khả thi hơn rất nhiều.

Trước đề nghị của Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho phép Công ty Khu công nghiệp Vinhomes tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Nam Cam Ranh.

Lãnh đạo tỉnh giao Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thủ tục chấm dứt đề xuất nghiên cứu dự án hạ tầng dự án của Becamex IDC theo quy định.

Đồng thời ban quản lý hướng dẫn, giúp đỡ Công ty Khu công nghiệp Vinhomes trong quá trình thực hiện nội dung trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đúng quy định pháp luật.

Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes thuộc Vingroup, có định hướng phát triển bất động sản nhà ở, văn phòng và khu công nghiệp. Với nhà đầu tư đầy tiềm năng này, chính quyền địa phương kỳ vọng dự án khu công nghiệp Nam Cam Ranh sẽ sớm được triển khai, tạo động lực để khu vực Cam Ranh nói riêng và phía nam tỉnh nói chung phát triển.

Khu công nghiệp Nam Cam Ranh từng qua tay nhiều chủ

Dự án khu công nghiệp Nam Cam Ranh (nằm xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có tổng diện tích khoảng 352ha, mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp nhẹ… ít gây ô nhiễm môi trường.

Khu công nghiệp này có vị trí liền kề với khu quy hoạch phát triển đô thị nên khá thuận lợi để phát triển mô hình khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị ven biển, gắn với vịnh Cam Ranh.

Dù có vị trí rất thuận lợi, song dự án này đã nhiều lần gặp trắc trở. Năm 2009, Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang, nay là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng).

Thời điểm đó, dự án có tổng diện tích 203ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 980 tỷ đồng. Dự kiến, kế hoạch cuối năm 2011 dự án sẽ đi vào hoạt động với việc đóng và sửa chữa tàu biển, gia công, lắp ráp cơ khí, điện, điện tử…

Thế nhưng, chủ đầu tư sau đó vẫn chưa triển khai các thủ tục thực hiện dự án.

Từ năm 2011 đến năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã 4 lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Nam Cam Ranh đối với Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh để tìm kiếm nhà đầu tư khác có kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính.

Cũng trong năm 2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm lại việc đầu tư vào khu công nghiệp Nam Cam Ranh.

Theo ông Thọ, do Vinashin đang tái cơ cấu nên còn khó khăn, cần thêm thời gian. Mặt khác, trong đầu tư khu công nghiệp có cả năng lượng điện, nên Vinashin muốn mở hướng đầu tư năng lượng mặt trời vào đây.

Vinashin đàm phán với đối tác nhằm triển khai dự án tổ hợp nhà máy điện mặt trời Nam Cam Ranh có công suất 200MW tại dự án khu công nghiệp Nam Cam Ranh.

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh cho rằng vùng đất này bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Còn phát triển điện mặt trời, chủ trương của tỉnh là đầu tư nơi đất cằn cỗi, khó phát triển sản xuất. Nếu Vinashin xin đầu tư nhà máy điện thì tỉnh sẽ giới thiệu ở một địa điểm khác.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng tỉnh có thể thu hồi dự án vì chậm tiến độ trong thời gian dài.

“Đất để không như vậy là lãng phí tài sản. Tái cơ cấu Vinashin là một việc, nhưng vấn đề ở đây là khả năng Vinashin không làm được. Ngành nghề đầu tư cũng không đúng chức năng của Vinashin”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đến đầu tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chấm dứt vai trò của Vinashin đối với dự án khu công nghiệp Nam Cam Ranh. Sau khi chấm dứt dự án này, giao cho tỉnh Khánh Hòa thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp theo đúng quy hoạch đã phê duyệt.

Sau 8 năm dự án vẫn dậm chân tại chỗ thì đến năm 2018, Becamex IDC xin nghiên cứu để đầu tư dự án.

Thay vì chỉ đầu tư khu công nghiệp Nam Cam Ranh theo quy hoạch, chủ đầu tư đề xuất thành lập dự án khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ đô thị cảng biển Nam Cam Ranh với diện tích khoảng 1.050ha, gồm: khu công nghiệp Nam Cam Ranh với diện tích tối thiểu 550ha và khu đô thị, dịch vụ liền kề với diện tích khoảng 500ha.

Chính vì diện tích quá lớn nên dự án phải điều chỉnh nhiều hạng mục và các quy hoạch trước đó. Chỉ tính riêng hạng mục khu công nghiệp Nam Cam Ranh, phần lớn diện tích bị chia cắt bởi dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Becamex IDC đề nghị điều chỉnh hướng tuyến, hành lang an toàn và phương án xây dựng trạm thu phí vào cao tốc. Song, việc đề xuất điều chỉnh là không phù hợp. Ngoài ra, dự án khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ đô thị cảng biển Nam Cam Ranh còn bị hạn chế bởi vành đai an toàn quân sự và nhiều hạng mục khác nên không khả thi.

Vì nhiều vướng mắc không thể giải quyết, Becamex IDC đã xin tạm dừng nghiên cứu đầu tư.

>>> Xem thêm: Vingroup bất ngờ rút lui khỏi dự án sân golf, khu du lịch tại Quảng Ninh

Cùng chuyên mục
Tin khác