Bộ GTVT làm việc với nhà thầu Trung Quốc về đường sắt Cát Linh–Hà Đông

Lê Hữu Việt - 25/12/2018 08:04 (GMT+7)

Ngày 24/12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã tiếp và làm việc với ông Đường Hồng - Giám đốc điều hành Dự án (Tổng thầu EPC-Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6, Trung Quốc) đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).

Giám đốc điều hành dự án Đường Hồng cho biết, hiện còn một số khó khăn trong giai đoạn nước rút để đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào khai thác theo kế hoạch, như: hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu, bàn giao các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Vì vậy, ông Đường Hồng mong Bộ trưởng chỉ đạo, tháo gỡ.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử từ ngày 20/9/2019, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, việc nhanh chóng hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đưa công trình vào vận hành có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác giữa hai nước Việt - Trung. 

Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ nhà thầu nghiệm thu dự án theo quy định. Tuy nhiên, ông Thể yêu cầu nhà thầu phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định, như hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc thiết bị, vật tư; hồ sơ hoàn công từng phần... để có thể hoàn thành hồ sơ nghiệm thu tổng thể. Trên cơ sở đó bàn giao công trình cho Hà Nội để đi vào vận hành, khai thác. 

Sau khi bàn giao, Tổng thầu cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực trong thực tế khai thác để đảm bảo vận hành tốt, an toàn. “Công trình phải đảm bảo chất lượng, tiến độ và quan trọng hàng đầu là vận hành an toàn tuyệt đối”, ông Thể yêu cầu.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức chạy thử từ 20/9/2018, thời gian chạy thử kéo dài từ 3-6 tháng, để nhà thầu căn chỉnh kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. Bộ GTVT dự kiến đưa tuyến đường vào khai thác trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. 

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa.

 
Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Dự án thiết kế tốc độ 80km/h, nhưng trước mắt khai thác tốc độ 35km/h. Dự án cung cấp 10.000 thẻ vé điện tử có giá trị sử dụng một lần hoặc nhiều lần. Dự kiến giá vé khoảng 10.000 đồng/lượt.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác