Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Kinh tế miền Trung vẫn mạnh ai nấy làm'

Chí Bình - 20/08/2019 11:02 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng miền Trung, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch.

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Báo cáo tại hội nghị phát triển vùng miền Trung - Bình Định tổ chức ngày 20/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội của vùng đã có những bước phát triển đáng kể.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước có xu hướng tăng, từ 18,83% năm 2016 lên 19,28% năm 2018. GRDP bình quân đầu người của vùng tăng từ 1.850 USD/người năm 2016 lên 2.074 USD/người năm 2018, vượt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu nội địa bình quân đạt 14,2%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước là 9,66%/năm); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm toàn vùng đạt bình quân 330.000 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 7%/năm, chiếm 20% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả nước. 

Được biết, trong năm 2018, toàn vùng đã thành lập mới 18.800 doanh nghiệp, chiếm 14,3% số doanh nghiệp thành lập của cả nước; tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của vùng ở mức cao so với cả nước; thu hút FDI đạt khoảng 12,2 tỷ USD; lũy kế đến tháng 6/2019, tổng vốn FDI của vùng thu hút đạt gần 58 tỷ USD, chiếm 16,3% vốn FDI cả nước.

Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh tại khu vực miền Trung. Riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất đạt hơn 2.000 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên hơn 4.200 MW.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có.

Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển còn chưa kết nối được các tỉnh và vùng theo dải bờ biển miền Trung, các tuyến đường trục Bắc Nam, Đông Tây đường nối từ khu vực ven biển lên Tây Nguyên, nối ven biển với vùng trung du, miền núi chưa được đầu tư mới, nâng cấp; tuyến đường sắt khổ 1,4 m chậm được đầu tư.

Đánh giá về khả năng liên kết của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", thậm chí cạnh tranh lẫn nhau; công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế.

Để khắc phục các hạn chế và đưa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành vùng kinh tế mạnh của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa một số giải pháp, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch;

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển;

Tập trung xây dựng các đô thị ven biển có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng. Tiếp tục có kế hoạch đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển, đường nối từ khu vực ven biển lên Tây Nguyên.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối các tuyến đường cao tốc trong vùng; sớm đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1,4 m. Nâng cao hiệu quả hoạt động các cảng biển trong khu vực, chỉ nên tập trung đầu tư cho một số cảng biển đầu mối.

Xem thêm >>> Thủ tướng và nhiều lãnh đạo Chính phủ đang dự hội nghị phát triển kinh tế miền Trung

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.