Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Ai thấy người nước ngoài sở hữu đất thì báo tôi, tôi sẽ xử lý'
Hải Triều -
28/05/2020 07:00 (GMT+7)
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định điều này trong buổi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/5 xung quanh thông tin người nước sở hữu đất tại Việt Nam.
“Về góc độ pháp luật, tôi khẳng định không có việc cá nhân người nước ngoài được cấp quyền sử dụng đất ở Việt Nam” - ông Hà nhấn mạnh.
Không nên để các nhà đầu tư lo lắng
Ông nhìn nhận thế nào về thông tin mà Bộ Quốc phòng đưa ra liên quan đến việc người nước ngoài sở hữu đất tại những khu vực trọng yếu ở Việt Nam?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Những ngày qua, báo chí đưa tin một số khu vực đất đai liên quan đến vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng có người nước ngoài được tiếp cận và được cấp quyền sử dụng đất. Đó là vấn đề dư luận rất quan tâm. Ở góc độ quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, tôi cũng hết sức chú ý đến vấn đề này.
Về góc độ pháp luật, tôi khẳng định việc cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai. Pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đều không quy định đối tượng cá nhân nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam và không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2003 đã quy định các đối tượng được sử dụng đất, trong đó liên quan đến nước ngoài gồm 2 đối tượng: tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải thành lập pháp nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp.
Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định các đối tượng được sử dụng đất, trong đó liên quan đến đối tượng nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam có 3 đối tượng, gồm: Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Chủ trương của Việt Nam là tạo điều kiện trên cơ sở pháp lý bình đẳng, thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay chúng ta thấy kinh tế Việt Nam phát triển. Sự phát triển này có sự tham gia đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài, từ thương mại, dịch vụ, công nghiệp, bất động sản...
Điều này cho thấy pháp luật chúng ta tạo điều kiện rất thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện pháp lý để các doanh nghiệp đầu tư. Chúng ta không nên để vì những câu chuyện chưa thấy rõ mà khiến các nhà đầu tư lo lắng, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nhưng lo lắng của dư luận khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những khu vực nhạy cảm là có cơ sở chứ, thưa ông?
Những ý kiến và quan tâm của dư luận là xác đáng. Bộ TN-MT đang thực hiện tất cả các biện pháp để ngăn chặn những hành vi sai phạm liên quan đến pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xử lý dựa trên các điều khoản quy định khác của Luật đầu tư, Luật nhà ở. Vì vậy, cần nhất quán vấn đề này trên quan điểm có tính nguyên tắc là vừa tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo về quốc phòng, an ninh.
Thực tế thời gian qua chúng ta cũng chú ý kết hợp phát triển kinh tế đảm bảo an ninh quốc phòng. Điều 13 của Nghị định 43, Điều 58 của Luật Đất đai 2013 quy định là đối với những khu vực quy hoạch mà liên quan đến các vị trí chiến lược an ninh quốc phòng thì bất cứ dự án nào từ khâu quy hoạch đến khi cấp giấy chứng nhận đều phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an. Quy định rất rõ như vậy.
Pháp luật không bảo vệ những anh “núp bóng”
Còn những dự án ở Đà Nẵng, như Bộ Quốc phòng nêu, thì ông thấy sao?
Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ TP, đồng thời phát hiện có hiện tượng là một số khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy họ không vi phạm giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân - doanh nghiệp. Việc giao đất đó cho 2 trường hợp, thứ nhất là doanh nghiệp liên doanh; thứ 2 là mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.
Bộ cũng phát hiện tại khu vực này có vi phạm. Điển hình như như giao cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở thì không thể kinh doanh được hoặc là khu vực này chưa thực hiện nghiêm Luật Đất đai 2013 mà vẫn theo Luật 2003, tức là chưa hỏi ý kiến các cơ quan an ninh quốc phòng về vấn đề doanh nghiệp hoạt động ở khu vực đó có liên quan đến vấn đề gì hay không…
Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động, và ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.
Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng thì các vấn đề thiếu sót đã được khắc phục. Đặc biệt, những vấn đề nhạy cảm thì họ đã chuyển giao cho người Việt Nam.
Còn về xử lý trách nhiệm thì sao, thưa ông?
Trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn và Bộ đã bàn giao cho TP xử lý. Thực ra vấn đề này chỉ là sai sót trong trình tự thủ tục. Nếu sai phạm nghiêm trọng thì doanh nghiệp đã khởi kiện.
Vậy theo ông, sắp tới phải làm thế nào để phòng ngừa chuyện này?
Tôi xin khẳng định là pháp luật không bảo vệ những anh “núp bóng”. Nhưng tôi cũng không loại là có hiện tượng “núp bóng” và có những mỗi quan hệ phức tạp ở đây. Cho nên, chúng ta phải tính toán để dự báo và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Với trách nhiệm của mình, Bộ TN-MT đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong đó thực hiện tốt như quy hoạch, xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất.
Cần có sự tham gia một thống nhất với các cơ quan chức năng, sự vận dụng một cách đồng bộ với các luật khác như pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí điều kiện nhằm hạn chế các quyền tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài. Chúng ta phải kiểm soát được vấn đề này.
Cần phải tính toán đối với cả các hoạt động của các doanh nghiệp. Ví dụ nếu giao đất cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thì chưa cần quan tâm lắm đến vấn đề an ninh quốc phòng. Nhưng sau cổ phần hoá thì như thế nào? Điều kiện cổ phần hoá, việc tiếp nhận mua cổ phần, chuyển nhượng phải có điều kiện như thế nào?
Hiện nay Luật Đất đai đang quy định khá chặt chẽ về chuyện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, nhưng Luật Nhà ở thì người nước ngoài (tất nhiên là có điều kiện) thì được mua nhà, mua căn hộ.
Luật Đầu tư sắp tới sẽ tính, những khu vực xác định là khu vực trọng yếu thì vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng.
Để phát triển kinh tế, theo tôi cần dựa trên mô hình phù hợp, tính toán cơ chế đặc thù. Cơ quan chức năng cũng phải tính toán để kiểm soát có thể có người nước ngoài “núp bóng” sở hữu đất ở Việt Nam. Nếu để xảy ra sai phạm thì xử lý thật nghiêm.
Người Việt Nam mua thì phải chứng minh được dòng vốn, dòng tiền, hay sẽ hạn chế quyền mua, không được mua nhiều đất ở những nơi trọng yếu và đất này không được quyền chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng thì phải có điều kiện.
Vừa qua ta phát triển được là nhờ sử dụng tốt nguồn lực đất đai. Tuy nhiên phải kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là nhiệm vụ chiến lược, rất quan trọng. Chúng tôi không lúc nào chủ quan về vấn đề này.
Trở lại câu chuyện chất vấn lần trước, ông có trả lời chưa nghe có việc người nước mua đất ở các vị trí này. Nay các đại biểu đã dẫn lại, ông có muốn giải thích không?
Tôi là một người nói dựa trên số liệu. Cho đến giờ, tôi vẫn bảo lưu ý kiến này: Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sở hữu đất cả, bởi Luật đất đai quy định như thế. Còn ai thấy thì báo tôi, tôi sẽ xử lý ngay người cấp vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone