Cán cân thanh toán là gì? Các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế

Thanh Hằng - 20/06/2018 10:11 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Cán cân thanh toán (balance of payment - BOP) là gì? Các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế.

VNF
Cán cân thanh toán (balance of payment – BOP) Là bản ghi chép các giao dịch của một nước với các nước khác trên thế giới (nước ngoài)

Cán cân thanh toán là gì ?

Cán cân thanh toán (balance of payment – BOP) là bản ghi chép các giao dịch của một nước với các nước khác trên thế giới (nước ngoài). Theo quy ước, các giao dịch dẫn đến việc cư dân, tổ chức nước ngoài trả tiền cho cư dân và tổ chức trong nước được ghi “có” hoặc đánh dấu cộng, còn các giao dịch dẫn đến việc cư dân và tổ chức trong nước trả tiền cho cư dân, tổ chức nước ngoài được ghi “nợ” hoặc đánh dấu trừ. Các giao dịch ghi trong cán cân thanh toán thường được chia thành 4 mục cơ bản với những nội dung như sau:

I.Tài khoản vãng lai (current account –CA) ghi chép các hoạt động:

1) Trao đổi hàng hoá (xuất và nhập khẩu hàng hoá), còn gọi là cán cân thương mại hay cán cân hữu hình;

2) Trao đổi dịch vụ (các dịch vụ phu nhân tố như du lịch, vận chuyển, bảo hiểm, ngân hàng), còn gọi là cán cân dịch vụ hay cán cân vô hình;

3) Thu nhập chuyển về nước, tức thu nhập từ việc cung ứng các dịch vụ nhân tố thuộc sở hữu của nước ngoài, nhưng đang hoạt động ở nền kinh tế trong nước hoặc cho các dịch vụ nhân tố thuộc sở hữu trong nước, nhưng đang hoạt động ở nước ngoài; 

4) Chuyển giao quốc tế, ví dụ quà tặng, quà biếu cho người nước ngoài hoặc từ nước ngoài, viện trợ cho không, lệ phí, đóng góp cho các tổ chức quốc tế.

II.Tài khoản vốn (Capital account – KA) ghi chép các khoản:

1) Tín dụng ngắn hạn như quỹ tín dụng thương mại, tín dụng hỗ trợ cán cân thanh toán của Quỹ tiền tệ quốc tế hay các nước khác; và

2) Tín dụng dài hạn như các khoản đi vay, cho vay dài hạn của chính phủ và tư nhân, bao gồm cả viện trợ phát triển chính thức (phần cho vay) và đầu tư nước ngoài.

III.Dự trữ chính thức (Official reserve – OR):

Còn gọi là tài trợ chính thức hay giao dịch bù trừ, bao gồm các khoản mua bán ngoại tệ, giao dịch của ngân hàng trung ương với các cá nhân, tổ chức tư nhân và cơ quan tiền tệ trong nước và nước ngoài.

IV. Sai số và bỏ sót (Errors and Omisions – EO):

Ghi chép các sai số phát sinh do chênh lệch về tỷ giá hối đoái tại các thời điểm khác nhau và sai số thống kê (thực chất đây là khoản mục cân đối).

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế

1. Cán cân mậu dịch:

Là yếu tố quan trọng quyết định đến vị trí của BOP mà cán cân thương mại lại phụ thuộc yếu tố tác động trực tiếp đến nó. Ví dụ như:

  - Thương mại hữu hình: là một trong những hạng mục thường xuyên của BOP. Tùy theo trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, độ phong phú của tài nguyên thiên nhiên mà có một số quốc gia khác lại ở vào vị trí nhập siêu.

  - Thương mại vô hình: chủ yếu là dịch vụ và du lịch. Có một số quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về vị trí địa lý, cảnh quan và khí hậu đã trở thành nơi thu hút khách du lịch của thế giới.

2. Lạm phát

Với điều kiện các nhân tố khác không đổi, nếu tỷ lệ lạm phát của một quốc gia cao hơn so với các nước khác có quan hệ mậu dịch, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa của nước này trên thị trường quốc tế do đó làm cho khối lượng xuất khẩu giảm.

3. Ảnh hưởng của thu nhập quốc dân

Nếu mức thu nhập của một quốc gia tăng theo một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ tăng của quốc gia khác, tài khoản vãng lai của quốc gia đó sẽ giảm nếu các yếu tố khác bằng nhau. Do mức thu nhập thực tế (đã điều chỉnh do lạm phát) tăng, mức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng.

4. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái

Nếu tiền của một nước bắt đầu tăng giá so với tiền của quốc gia khác, tài khoản vãng lai của nước đó sẽ giảm, nếu các yếu tố khác bằng nhau. Hàng hóa xuất khẩu từ nước này sẽ trở nên đắt hơn đối với các nước nhập khẩu nếu đồng tiền của họ mạnh. Kết quả là nhu cầu hàng hóa đó giảm(cán cân vãng lai).

5. Sự ổn định chính trị của một đất nước, chính sách đối ngoại của quốc gia

Sự ổn định chính trị của một đất nước là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế. đây cũng là điều kiện tiên quyết để các quốc gia khác tăng cường quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại trở thành điều kiện đủ cho mọi quan hệ kinh tế trực tiếp. Trong điều kiện mở cửa và hội nhập, chính sách đối ngoại phù hợp sẽ là yếu tố mở đường cho mọi yếu tố khác phát triển.

6. Khả năng và trình độ quản lý kinh tế của chính phủ

Đây là yếu tố tạo sự phát triển bền vững và tăng trưởng liên tục của nền kinh tế. Yếu tố này vừa mang tính thử nghiệm vừa đánh giá sự năng động trong điều hành nền kinh tế của chính phủ trong đó có quan hệ kinh tế đối ngoại cũng sẽ đạt được. Do đó, cán cân thanh toán quốc tế sẽ được cải thiện theo chiều thuận.

Cùng chuyên mục
Tin khác