Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có 3 phương án đầu tư từ 46.000 - 61.000 tỷ đồng

Lệ Chi - 22/09/2020 08:29 (GMT+7)

(VNF) - Đơn vị tư vấn đã nghiên cứu đề xuất 3 phương án xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với chiều dài tuyến từ 124,18km - 141km. Trong đó, phương án 2 có tổng mức đầu tư cao nhất là 61.000 tỷ đồng.

VNF
Đơn vị tư vấn đã nghiên cứu đề xuất 3 phương án xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với chiều dài tuyến từ 124,18km - 141km.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật đã có buổi làm việc với 5 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cùng các đơn vị tư vấn, xây dựng dự án vào chiều 21/9.

Theo đó, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu đề xuất 3 phương án xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với chiều dài tuyến từ 124,18km - 141km.

Phương án 1 là tận dụng hoàn toàn tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp làm đường cao tốc với tổng vốn khoảng 46.200 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.100 tỷ đồng, dự kiến thu hồi 750ha đất.

Phương án 2 xây dựng đoạn tuyến song song với Quản Lộ - Phụng Hiệp, có chiều dài 138 km, tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng và dự kiến thu hồi 900ha đất.

Phương án 3 là xây dựng một tuyến cao tốc mới song song với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, có chiều dài 124km với tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dự kiến thu hồi 800ha đất.

Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 1, tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau không tán thành phương án này và đề xuất chọn phương án 2 hoặc 3.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật yêu cầu cần phải gấp rút thực hiện Thông báo 304 của Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau thực hiện theo phương thức đầu tư PPP.

Thứ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng cần thực hiện theo Quyết định số 326 ban hành tháng 3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, không đầu tư những gì không có trong quy hoạch, đơn vị tư vấn thiết kế cần tập trung nghiên cứu phương án 1 và 2 để chọn ra phương án hiệu quả nhất.

Riêng phương án thứ 3 cần nghiên cứu cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu cần làm rõ mức đầu tư, đoạn đường rút ngắn được, diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi để thực hiện báo cáo Quốc hội.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau chủ trì, chuẩn bị đầu tư dự án theo phương thức PPP một cách bài bản, đúng trình tự pháp luật; Đơn vị doanh nghiệp thực hiện dự án được yêu cầu tổ chức một buổi làm việc nhằm phối hợp ăn ý với đơn vị tư vấn để nghiên cứu tính liên kết của 2 đoạn dự án.

Trước đó, vào tháng 8/2020, trả lời kiến nghị của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, toàn tuyến sẽ được chia làm 2 thành phần: Cần Thơ - Bạc Liêu (từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và Bạc Liêu - Cà Mau (đầu tư theo hợp tác công tư – PPP, giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án).

Cùng chuyên mục
Tin khác