Cao tốc Móng Cái - Vân Đồn giảm 5000 tỷ: Cần rà soát nữa!

Lam Nguyên - 26/02/2018 11:22 (GMT+7)

Chỉ một thao tác mà dự án đã giảm ngay được 5000 tỷ, nếu tiếp tục rà soát thì sẽ giảm bao nhiêu nữa?

VNF
Bộ Xây dựng quy định, cao tốc 4 làn xe có suất vốn đầu tư 122,49 tỷ đồng/km, nhưng suất đầu tư cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được báo cáo là 146,69 tỷ đồng/km. Ảnh: Bizlive

Khảo sát có vấn đề?

Dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn có tổng mức đầu tư xây dựng ban đầu là 16.000 tỷ, tuy nhiên, sau khi thực hiện rà soát lại dự án đã giảm xuống còn 11.000 tỷ đồng. PGS.TS Lê Cao Đoàn (Viện kinh tế Việt Nam) cho rằng, 5.000 tỷ là con số không nhỏ, chiếm gần 1/3 tổng mức đầu tư của dự án, một con số buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Vị PGS cho rằng, thoạt nghe ai cũng thấy giá cả của dự án đang có vấn đề. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, ông có nhiều vấn đề băn khoăn liên quan tới cách nhìn dài hạn và cách nhìn cơ bản.

Theo ông Đoàn, khi xây dựng một dự án bao giờ câu hỏi đầu tiên cũng được đặt ra là dự án này để làm gì? Giá trị con đường này có thể đem lại thế nào? Tác động lan tỏa tới sự phát triển kinh tế, xã hội như thế nào?

"Khi trả lời được hiệu quả thực sự mà dự án này sẽ đem lại như thế nào thì khi đó mới khẳng định việc đầu tư dự án có cần thiết và có nên hay không?

Chúng ta có thể chấp nhận làm một con đường đắt hơn giá trị thực tế nhưng phải chắc chắn được hiệu quả và khả năng thu hồi vốn của dự án này.

Ngược lại, nếu không tính được hiệu quả, dù rẻ cũng nhất quyết không đầu tư.

Với dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn, tôi chưa có được một thông tin hay đánh giá nào về vị trí, vai trò của con đường đối với sự phát triển chung của nền kinh tế. Chưa có thông tin nào khẳng định tính cần thiết của dự án này", ông Đoàn nói.

Liên quan tới yêu cầu rà soát lại tổng mức đầu tư của dự án, vị chuyên gia cho hay đây chính là câu hỏi cơ bản nhất khi xây dựng một dự án.

Bởi việc xây dựng tổng mức đầu tư của dự án sẽ liên quan tới rất nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề thực tế như điều kiện, tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Cụ thể ông nói: "Dự án đó được xây dựng theo loại hình nào? Đường đồi núi, đường xuyên biển hay đường trên bộ...? Mỗi loại hình sẽ có một mức giá khác nhau, vậy mức giá trên được xây dựng cho loại hình nào?

Tiếp đến là thiết kế dự án trên sẽ sử dụng loại hình kỹ thuật nào? Kỹ thuật lạc hậu hay kỹ thuật tiên tiến?... đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định giá cả của dự án".

Theo ông, dù chưa có cơ sở để khẳng định tổng mức đầu tư của dự án nói trên là đắt hay rẻ nhưng rõ ràng chỉ qua việc rà soát lại dự án đã giảm ngay được 5.000 tỷ, cho thấy quá trình khảo sát để xây dựng đơn giá của dự án có sự nhập nhèm, không minh bạch.

Việc này khiến chúng ta hoài nghi với tất cả những quy trình khác, từ khâu khảo sát, khâu thẩm định cho tới khâu xây dựng dự án.

Câu hỏi lớn nhất phải đặt ra là giảm 5.000 tỷ đã là con số cuối cùng chưa? Nếu rà soát chặt chẽ, công khai, minh bạch dự án có thể giảm được nữa không? Do đó, cần phải có những thao tác cụ thể để đưa dự án trở về đúng với giá trị thật của nó", ông Đoàn nêu quan điểm.

Đầu tư xây dựng chưa hiệu quả

Lý giải thái độ cương quyết phải đưa dự án trở về đúng với giá trị thật, PGS cho rằng phải xác định được giá trị thật của dự án thì mới đánh giá được hiệu quả của dự án sẽ mang lại.

Ông Đoàn cho rằng, câu chuyện đầu tư xây dựng tại Việt Nam thời gian qua cho thấy hiệu quả từ dự án mang lại rất thấp, có nhiều vấn đề tiêu cực, cụ thể là thất thoát, lãng phí, gây áp lực lớn cho nợ công.

Một thực tế được ghi nhận là những dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài thì thường bị hạ vốn xuống để được thông qua dễ dàng nhưng với những dự án có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì luôn bị đội lên rất cao, thậm chí còn bị cao hơn nhiều lần giá trị thực tế.

Đây chính là biểu hiện của lợi ích nhóm, có mục đích cấu kết, xác định giá trị không rõ ràng, không minh bạch, nhằm trục lợi. Một trong những nguyên nhân được ông chỉ rõ có liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Ông Đoàn lo ngại, những tồn tại, hạn chế trên sẽ lặp lại với dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn.

"Việt Nam nổi tiếng với những cung đường đắt nhất hành tinh. Chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5-2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ, liệu cao tốc Móng Cái - Vân Đồn cũng thuộc trong số những dự án đó?

Riêng tôi thấy suất đầu tư của dự án này tạm tính là 146,69 tỷ đồng 1 km đường cao tốc là con số quá cao. Chi phí xây dựng 1 km đường cao tốc đã gần bằng chi phí xây dựng cả một trường học, bệnh viện.

Việc này buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải trả lời cặn kẽ câu hỏi: Phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ để đầu tư dự án này có đáng không?", vị chuyên gia băn khoăn.

Theo ông Đoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi ra yêu cầu UBND Quảng Ninh rà soát lại dự án còn phải tổ chức thực hiện thẩm định, khảo sát lại dự án.

Ông Đoàn nhấn mạnh, dự án do Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Viện kinh tế xây dựng của Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định, khảo sát là chưa đủ.

"Để đảm bảo khách quan, tôi cho rằng cần phải thuê đơn vị tư vấn độc lập để xây dựng tổng mức đầu tư cho dự án này", ông Đoàn nêu.

Theo Đất Việt
Cùng chuyên mục
Tin khác