Cầu Tân Kỳ - Tân Quý: Sau 4 năm dở dang, TP. HCM muốn chi 492 tỷ vốn công xây dựng tiếp

Trần Lê - 22/09/2022 09:58 (GMT+7)

(VNF) - Sở Giao thông Vận tải TP. HCM có báo cáo đề xuất HĐND TP. HCM về việc đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bằng nguồn vốn công.

VNF
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã đạt 70% khối lượng thi công và hiện đang tạm dừng (ảnh minh họa)

Theo Sở Giao thông Vận tải, để sớm hoàn tất đầu tư công trình còn dang dở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế việc phát sinh chi phí sử dụng vốn và các chi phí liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, công trình cần phải được đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại (do chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư theo hình thức PPP) nhằm sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị HĐND thành phố xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án xây cầu Tân Kỳ - Tân Quý gần 492 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Theo Sở Giao thông Vận tải, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để chuyển đổi hình thức đầu tư cầu Tân Kỳ - Tân Quý là cần thiết, bởi công trình đã đạt 70% khối lượng thi công và hiện đang tạm dừng. Thời gian thực hiện là giai đoạn 2022 - 2025.

Lộ trình sẽ là: năm 2023 - 2024 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và thi công hoàn thiện công trình; năm 2025 sẽ thông xe cầu.

Trước đó, theo hợp đồng giữa thành phố và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO), cầu sẽ hoàn thành cuối năm 2018, sau đó dự kiến hoàn vốn sau hơn 9 năm thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, công trình mới đạt 70% khối lượng rồi tạm ngưng đến nay.

Nguyên nhân khiến dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý đình trệ ngoài việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, dự án còn bị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra.

Cụ thể, tháng 8/2019, Kiểm toán Nhà nước kết luận việc đưa cầu Tân Kỳ - Tân Quý vào dự án BOT An Sương - An Lạc khi công trình không nằm trên Quốc lộ 1 thuộc BOT này là không phù hợp.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 437/2017 của Quốc hội, dự án đường bộ đầu tư hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới, trong khi dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (thay thế cầu cũ) xây trên đường hiện hữu.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND TP. HCM kiểm tra, xử lý việc phê duyệt quyết định đầu tư dự án để đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với người tham gia giao thông trả phí đúng với dịch vụ sử dụng.

Sau khi Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, UBND TP. HCM đã giao các sở ngành đàm phán chấm dứt phụ lục hợp đồng trước thời hạn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, chuyển dự án sang đầu tư bằng vốn ngân sách.

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý được TP. HCM phê duyệt năm 2017, khởi công đầu năm 2018, theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thay thế cầu cũ bị sụt mố cầu năm 2016.

Cùng chuyên mục
Tin khác