CEO TikTok bất ngờ từ chức sau 3 tháng ‘ngồi ghế nóng’

Chu La - 27/08/2020 19:03 (GMT+7)

(VNF) - Được kỳ vọng sẽ là “sứ giả” xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa TikTok và chính quyền Mỹ nhưng dường như CEO TikTok Kevin Mayer đã không chịu được sức ép ngày một gia tăng và lựa chọn quyết định từ chức.

VNF
CEO TikTok Kevin Mayer bất ngờ từ chức sau 3 tháng ‘ngồi ghế nóng’.

Chia sẻ trong bức thư chia tay gửi tới toàn bộ nhân viên công ty, ông Kevin Mayer cho biết việc môi trường chính trị biến đổi mạnh mẽ đã tác động tới chức vụ quản lý toàn cầu mà ông nắm giữ.

“Trong hoàn cảnh này, khi chúng ta đang chờ đợi một giải pháp hợp lý, tôi rất buồn phải thông báo với mọi người rằng tôi đã quyết định rời công ty", ông Mayer viết trong thư.

Ngay sau đó, trong một thông báo được gửi qua email, ban điều hành TikTok đã xác nhận việc từ chức của ông Mayer và nói rằng các yếu tố chính trị trong vài tháng qua đã "thay đổi đáng kể" vai trò của ông trong tương lai và hoàn toàn tôn trọng quyết định của vị CEO này.

Thông báo cho biết Giám đốc TikTok Bắc Mỹ Vanessa Pappas sẽ tạm thời nắm giữ vị trí điều hành công ty cho tới khi nền tảng chia sẻ video giải trí này tìm được vị lãnh đạo mới.

Ông Kevin Mayer gia nhập TikTok với tư cách CEO vào tháng 5, sau thời gian dài làm quản lý cao cấp tại Walt Disney. Động thái này dường như được thiết kế để xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa công ty Trung Quốc này và chính quyền Mỹ, đồng thời khẳng định TikTok hoạt động như một thực thể riêng biệt với công ty mẹ có trụ sở tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, TikTok vẫn liên tục phải chịu sức ép từ chính quyền Mỹ, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump còn doạ cấm ứng dụng này.

TikTok ngày 24/8 đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty chủ quản của TikTok là ByteDance.

Trong đơn kiện nộp lên lên Tòa án quận liên bang Trung tâm California, TikTok cáo buộc giới chức Mỹ tước đoạt quyền của công ty mà không có bất cứ bằng chứng nào, đồng thời khiếu nại sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump nhằm hạn chế công ty này là sự lạm dụng Đạo luật Về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế.

TikTok cho biết hơn 1.500 nhân viên của công ty trên khắp nước Mỹ đều dồn hết tâm huyết vào xây dựng nền tảng này mỗi ngày nhưng Washington đã bỏ qua những nỗ lực của công ty để giải quyết những vấn đề mà Washington lo ngại.

TikTok cũng cáo buộc Tổng thống Trump "chính trị hóa" vấn đề căng thẳng thương mại khi ban hành sắc lệnh buộc TikTok nhượng lại hoạt động ở Mỹ hoặc phải đối mặt với lệnh cấm hoạt động.

Trước đó, Tổng thống Trump ngày 3/8 đã ra thời hạn 45 ngày để ứng dụng TikTok chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Mỹ hoặc phải bán chi nhánh tại nước này cho một công ty Mỹ.

Tới ngày 6/8, ông đã chính thức ký sắc lệnh hành pháp cấm tất cả giao dịch với ByteDance.

Cụ thể, sắc lệnh nêu rõ mọi cá nhân hoặc tài sản nằm trong quyền xét xử của Mỹ sẽ bị cấm giao dịch với công ty này. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau khi sắc lệnh hành pháp được ban hành 45 ngày.

Trong sắc lệnh, ông Trump nhấn mạnh TikTok có thể được sử dụng cho các chiến dịch gieo rắc thông tin sai lệch của Trung Quốc nên Mỹ "phải hành động cứng rắn để bảo vệ an ninh quốc gia".

Xem thêm >> Mỹ trừng phạt 24 công ty xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc đe dọa đáp trả

Theo CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác