Bất động sản

Chợ Việt xưa và nay: Phố Đầm, ‘thủ phủ’ buôn bán một thời của xứ Thanh

(VNF) - Phố Đầm thuộc làng Quảng Ích, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) từng là khu phố cổ buôn bán sầm uất bậc nhất của xứ Thanh những năm đầu thế kỷ XX. Qua biến thiên thời gian, Phố Đầm không còn vóc dáng của một phố thị trên bến dưới thuyền, nhưng những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm vẫn như đang kể lại câu chuyện về Phố Đầm xưa.

Một ngôi nhà kiến trúc Pháp còn sót lại tại chợ Đầm

Một thời trên bến dưới thuyền

Theo các tài liệu cổ được UBND xã Xuân Thiên sưu tầm, Xuân Thiên trước kia là một điểm buôn bán sầm uất với hai địa danh nổi tiếng là bến đò Đầm và chợ Đầm. Từ thế kỷ XIX, nơi đây là một vùng trù phú, thu hút nhiều người ở các nơi như Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Tĩnh, thậm chí cả người Thái Lan, Trung Quốc di cư đến làm nhà và buôn bán.

Về tên gọi chợ Đầm, Phố Đầm, hiện có nhiều cách giải thích khác nhau. Giả thiết phổ biến hơn cả là thời bấy giờ có một số ma-đam (madame) là vợ các công chức người Pháp về đây mở cửa hiệu buôn bán, chủ yếu là mua các mặt hàng nông sản, lâm sản, dược liệu quý chuyển về Pháp. Chữ “đầm” là cách gọi chệch của chữ “ma-đam”, nghĩa là phố có các cửa hiệu của các bà đầm. Một số tư liệu khác ghi lại rằng, người Quảng Ích chủ yếu là buôn bán. Từ năm 1907, số doanh thương ngày một nhiều lên, hai bên đường nhà ở san sát, nhiều nhà 2 tầng kiến trúc Á - Âu được xây dựng, tạo nên bộ mặt phố phường đông đúc, từ đấy được gọi là phố Đầm.

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Ngô Doãn Luyến, Phó chủ tịch xã Xuân Thiên, cho biết ở buổi ban đầu, với địa thế sông sâu, bãi thoải, chợ Đầm được lập trên các bãi bồi để người buôn bán bằng thuyền từ các nơi về đây trao đổi buôn bán. Với địa thế “cận giang”, nơi đây là điểm giao thương giữa miền núi với đồng bằng. Chợ mỗi tháng họp 6 phiên vào ngày mùng 5 và mùng 10, nổi tiếng trong vùng với những mặt hàng thủ công tinh xảo, những lâm, thủy sản ở miền ngược và miền xuôi tập trung về. Ở đây, các nghề thủ công cũng rất phát triển như: nề, nhuộm, đan lát, may mặc, kim hoàn, sành gốm, nồi đất, gạch ngói.

Tuy nhiên, qua thời gian, vì nhiều lí do về tự nhiên và xã hội, Phố Đầm không còn giữ được vai trò là vị trí trung tâm của vùng. Khi điều kiện tự nhiên, xã hội không còn là lợi thế, người dân Phố Đầm đã di cư đến những vùng đất mới. Việc nhiều người dân rời đi đã khiến các ngôi nhà ở Phố Đầm không có người ở. Qua thời gian, các kiến trúc biệt thự kiểu Pháp cũng dần hư hao.

Phố Đầm nay còn gì?

Ghi nhận thực tế, những công trình kết cấu nên khu phố Đầm gồm có: kiến trúc đình, đền, nhà thờ công giáo, nhà thờ họ và nhà ở. Riêng đối với kiến trúc nhà ở, phổ biến nhất là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng kiểu nhà ống hoặc xây theo kiểu biệt thự hai tầng. Thông thường, các ngôi nhà có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Bố cục mặt bằng phổ biến của những ngôi nhà ở đây gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau.

Với lối thiết kế đông – tây kết hợp, kiến trúc nhà tại đây gồm 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Trong đó, gian chính giữa ngôi nhà ở tầng hai làm nơi đặt bàn thờ tổ tiên, 2 bên là hoành phi, câu đối sơn thếp rực rỡ. Tầng hai thường lát bằng ván, cầu thang bằng gỗ tốt chạm trổ hoa văn tinh xảo, được kết cấu theo kiểu nhà trên, nhà dưới, nhà ngang, nhà bếp liên hoàn với nhau bằng hệ thống cửa liên thông. Nội thất ngôi nhà chia ra nhiều buồng: buồng ngủ, buồng ăn gắn liền bếp, buồng khách, thiết kế có lò sưởi, ban công rộng rãi, mát mẻ về mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Theo chị Trần Thị Thực, công chức văn hoá xã Xuân Thiên, trước những năm 70, xã Xuân Thiên có khoảng 100 ngôi nhà cổ, tập trung phổ biến ở phố Đầm, nhưng hiện nay chỉ còn gần 20 ngôi nhà giữ được gần nguyên dáng cổ xưa và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Trong đó có 2 ngôi nhà do địa phương quản lý. Những ngôi nhà cổ xưa này đều mang nét kiến trúc hai tầng mái đỏ. Nhà được xây bằng tường gạch nung và vôi, mái ngói đất sét nung, trần nhà được làm bằng lim, tiêu biểu như nhà của gia đình bà Cao Thị Đức (hơn 90 tuổi) - một trong những gia đình vẫn giữ nguyên vẹn ngôi nhà cổ. Chị Trần Thị Thực cho biết, ngôi nhà cổ này có tuổi đời hơn 100 năm.

Những ngôi nhà cổ ở phố Đầm, xã Xuân Thiên có nhiều giá trị về mặt văn hóa lịch sử, kiến trúc và có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. Thế nhưng, chị Trần Thị Thực cho biết trải qua nhiều năm sử dụng và chưa được khảo sát để công nhận là di tích, việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
 

Tin mới lên