Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Sau trận lụt lịch sử, một số khu vực tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nước đã rút. Nhiều nhà khoa học chỉ ra một trong các nguyên nhân khiến Phú Quốc bị ngập là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, chưa quan tâm đến việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về vấn đề này. Ông Huỳnh trước kia là Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, và mới được phân công làm Bí thư huyện Phú Quốc được khoảng 1 năm.
- Sau đợt lũ này, ông có thể chỉ ra các nguyên nhân chính khiến Phú Quốc với địa hình bao quanh là biển, lại bị ngập nặng như vậy?
Ông Mai Văn Huỳnh: Tôi xin nhấn mạnh là không phải toàn bộ đảo Phú Quốc bị ngập, mà chỉ có một số khu vực. Đó là một số tổ dân phố tại thị xã Dương Đông, khu vực Bến Tràm, Cây Thông Trong, đường dọc bãi Trường bị ngập cục bộ…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ trên địa bàn.
Thứ nhất là do biển đổi khí hậu. Chỉ trong 8 ngày (từ 1/8 đến 9/8), lượng mưa đã đạt 1.170 mm, trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại đảo là 2.800 mm. Riêng ngày 9/8, lượng mưa đã lên tới 335 mm. Đây là lượng mưa kỷ lục nhiều năm, diễn ra trong thời gian ngắn, đồng thời trùng lúc nước biển dâng cao do triều cường. Từ đó việc thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở rất nhiều.
Cần nhấn mạnh trước kia, Phú Quốc rất ít khi có gió mùa tây nam. Tuy nhiên, lần này gió mùa tây nam đã xuất hiện, cộng thêm địa hình đón ở phía tây và nam đảo. Cửa sông đổ ra biển cũng nằm ở phía tây nam, nơi có triều cường và sóng lớn, nên nước thoát lại càng khó.
Ngoài ra, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư từ 2002, quy mô thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, đến nay, dân cư Phú Quốc đã phát triển nhanh, cộng thêm khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Một số ao hồ tự nhiên bị san lấp, tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy. Riêng khu vực bãi Trường, do các dự án chưa hoàn thiện nên việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, gây ra ngập cục bộ ở một số khu vực này.
- Một số chuyên gia cho rằng Phú Quốc đang phát triển quá “nóng”, cấp phép ồ ạt các dự án, dẫn tới hạ tầng chưa theo kịp với yêu cầu. Ông phản hồi thế nào về nhận định này?
Tôi nghĩ khái niệm phát triển “nóng” chưa rõ ràng, cần phân tích thêm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của Phú Quốc là mong muốn của địa phương, của doanh nghiệp và cả người dân.
Hàng trăm dự án bất động sản đang được triển khai ở Phú Quốc
- Cũng có ý kiến nói, Phú Quốc đang phát triển thiếu tầm nhìn và quy hoạch. Trong khi đó, việc quản lý quy hoạch cũng bộc lộ nhiều bất cập. Hệ quả là trận lũ lịch sử vừa qua đã thấy rõ?
Chúng tôi không chối cãi những yếu kém trong quản lý Nhà nước. Rất nhiều địa phương cũng có những hạn chế nhất định, và chúng tôi đang dần khắc phục.
Tuy nhiên, nói Phú Quốc thiếu tầm nhìn quy hoạch là không chính xác. Phú Quốc đã có quy hoạch do đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện và được Thủ tướng phê duyệt. Không thể nói là Phú Quốc phát triển không có căn cơ.
Nhiều người nói không đúng về Phú Quốc, như thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, khiến tôi rất buồn. Cần có đánh giá và nhận xét công bằng với Phú Quốc, sát với thực tế.
Vấn đề hiện tại là làm sao để triển khai quy hoạch cho hiệu quả, khắc phục từng bước những vấn đề đặt ra.
Như tôi nói, bất kỳ một bản quy hoạch nào cũng cần có thời gian để thực hiện, có thể 5-10-20 năm. Hiện tại, Phú Quốc đang dần triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt. Các dự án được cấp phép theo đúng tỷ lệ đã được phê duyệt.
Khi mà các dự án đang xây dựng, đang thi công, chưa hoàn thiện thì thiên tai ập xuống, rất khó xoay xở. Chúng tôi sẽ đúc rút và dần hoàn thiện những bất cập bằng việc điều chỉnh quy hoạch. Đến khi nào chúng tôi xây dựng hoàn chỉnh như quy hoạch mà vẫn xảy ra ngập lụt hay bất cập thì tôi thừa nhận sai.
- Có nghĩa là theo ông, việc cấp phép rất nhiều dự án bất động sản tại các bãi biển, với mật độ dày đặc như hiện nay, là đều đúng quy hoạch và không tùy tiện?
Bất kỳ dự án nào được cấp phép cũng phải đảm bảo có tiêu chuẩn, tỷ lệ cây xanh, quy hoạch hạ tầng… đúng như đồ án phê duyệt quy hoạch. Chúng tôi không để doanh nghiệp phát triển một cách tùy tiện.
- Bài học nào cho Phú Quốc sau sự cố thiên tai này? Đặc biệt khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn?
Chúng tôi sẽ nhờ các cơ quan chuyên môn đánh giá lại tần suất mưa, tần suất của gió, đưa ra những kịch bản biến đổi khí hậu. Qua đó, trong lần chỉnh sửa quy hoạch sắp tới, cũng phải đưa ra những phương án hạ tầng để ứng phó. Nếu cứ lượng mưa như vừa qua thì rất lo lắng.
Chúng tôi cũng sẽ khảo sát lại toàn thể các công trình để có phương án đầu tư, cải tạo lại hệ thống thoát nước. Nghiên cứu, nâng cấp hệ thống thoát nước tại một số tuyến đường, đặc biệt tại thị trấn Dương Đông, khu vực Bến Tràm, Cây Thông Trong…
- Với tốc độ phát triển nóng, nhưng Phú Quốc vẫn chỉ là cấp hành chính tương đương một huyện. Điều này có gây khó khăn cho Phú Quốc để đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt, không bê tông hóa đảo ngọc?
Cái đó là có. Công việc hiện tại rất nhiều, nhưng biên chế và mô hình quản lý ngày càng khó khăn. Công việc của chúng tôi đang phát sinh bằng nhiều huyện cộng lại, nhưng số biên chế lại như một huyện bình thường.
Số lượng người chưa đủ để làm việc các công việc thực tiễn đòi hỏi. Ví dụ như quản lý trật tự xây dựng tại một thành phố có các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, chúng tôi dù nhiều công việc như thế, chỉ 5-6 người thôi.
Hay ví dụ như lĩnh vực an ninh trật tự. Các công trường xây dựng nhiều khiến tăng dân số cơ học nhanh chóng, tội phạm cũng vì thế tăng lên. Tuy nhiên, số lượng công an của Phú Quốc cũng giống như các huyện khác.
Tôi nghĩ rằng cần có cơ chế đặc thù cho Phú Quốc. Bộ máy hiện tại không đủ sức để quản lý.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.