Chủ tịch Quốc hội: 'Cảng hàng không và cảng biển Chu Lai chưa khai thác tương xứng với tiềm năng'

Trường Tân - 27/07/2022 15:53 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định Quảng Nam có nhiều khó khăn, hạn chế như kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Hạ tầng chiến lược như cảng hàng không quốc tế Chu Lai và cảng biển Chu Lai chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng.

VNF
Cảng biển Chu Lai. Ảnh: T.D

Ngày 27/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, Quảng Nam có nhiều khó khăn, hạn chế như kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Hạ tầng chiến lược như cảng hàng không quốc tế Chu Lai và cảng biển Chu Lai chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phát triển khu vực vùng Đông còn gặp nhiều vướng mắc, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. 

Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đồng bằng lẫn miền núi của tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng bối cảnh, tình hình, các nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó có các giải pháp kịp thời và phù hợp để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn nữa.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện tốt, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tỉnh Quảng Nam sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực.

Riêng về công nghiệp, địa phương phải phát triển theo chiều sâu, tăng tỷ lệ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng các khu, cụm liên kết ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, an toàn, hiệu quả, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; quan tâm đến nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học.

Chú trọng và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp an toàn để Quảng Nam phát huy tốt hơn nữa các thế mạnh từ biển gắn với củng quốc phòng, an ninh.

Thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát huy lợi thế (hạ tầng, kinh tế) giáp ranh với TP. Đà Nẵng, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế, nhất là các tỉnh Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Đặc biệt, phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy cơ chế mở làm đột phá xuyên suốt, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ mong muốn Quảng Nam là hình mẫu phát triển du lịch, phục hồi du lịch sau đại dịch cho cả nước. Doanh nghiệp, sản phẩm du lịch của Quảng Nam phải có bứt phá.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phan Việt Cường cho biết, Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội có những tín hiệu hết sức khả quan. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 22%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,4%; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 2.390 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch dần phục hồi và khởi sắc trở lại khi Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Nhờ vậy, khách du lịch đến Quảng Nam tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế tăng gấp 6 lần và dự báo khả năng thu ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành dự toán năm và có khả năng vượt kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, nhiều tuyến quốc lộ được đề nghị bố trí nguồn lực đầu tư, nâng cấp, bao gồm tuyến quốc lộ 14B, 14G, 14D, 14H, 40B, 24C…

Cùng chuyên mục
Tin khác