Chủ tịch Thành phố Hải Phòng: ‘Đề nghị giảm phí container trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng’
Chi Lan -
26/09/2019 19:20 (GMT+7)
(VNF) - Ngày 26/9, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề xuất với Bộ Giao thông vận tải nên “giảm phí cho các xe container trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và tăng phí đối với xe con”.
Giảm phí, thu hút xe container đi cao tốc
Lý giải về đề xuất này, ông Tùng cho rằng, hiện xe tải không đi tuyến cao tốc mà chủ yếu đi vào tuyến quốc lộ 5 cũ. Điều này khiến lưu lượng xe trên tuyến đường cũ quá tải.
Nguyên nhân xe tải “né” cao tốc là do mức phí hiện nay đối với dòng xe tải, xe container vẫn còn quá cao. Vì vậy, địa phương này đề xuất Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất xem xét giảm phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thu hút các xe container xe tải lưu thông trên tuyến cao tốc, giảm tải cho QL5.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đồng tình với đề nghị này và giao Tổng cục Đường bộ VN làm việc với Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN - Vidifi (chủ đầu tư dự án) để đề xuất những phương án cụ thể.
Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Vidifi cho biết, theo phương án tài chính của dự án, hiện nay đã tới thời điểm tăng phí cao tốc. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua, nhà đầu tư không tăng phí, nay lại giảm phí cho phương tiện xe tải, xe container sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phương án tài chính và khả năng hoàn vốn dự án.
Giảm phí container phải tăng phí xe con
Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Vidifi cho biết, trong bối cảnh tài chính khó khăn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng phương án giảm phí phù hợp.
“Muốn giảm phí cho xe container cầ tăng phí đối với xe ôtô cá nhân. Việc tăng phí đối với xe ô tô cá nhân cũng nằm trong lộ trình và sẽ góp phần giải bài toán phương án tài chính vốn đang rất khó khăn của đơn vị.”
"Ngoài ra, khi xây dựng phương án nên tiến hành theo lộ trình thí điểm. Kết thúc đợt thí điểm sẽ có nghiên cứu tổng kết, đánh giá trước khi chính thức triển khai sẽ hiệu quả hơn”, ông Tú nói.
Lo vỡ phương án tài chính
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện nguồn vốn thực hiện dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hợp đồng BOT có cơ chế thí điểm. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.
VIDIFI được giao thu phí tại hai trạm thu phí quốc lộ 5 để tạo nguồn thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc (thực chất đây là hình thức hỗ trợ, tham gia của Nhà nước vào Dự án bằng nguồn vốn ngân sách từ thu phí).
Cụ thể, đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 4.069 tỷ đồng, VIDIFI vay VDB để chuyển toàn bộ cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2008-2010.
Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Hiện tại, VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%. Tính đến cuối 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 746 chưa được thực hiện ước tính khoảng 800 tỷ đồng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km, điểm đầu giao cắt với vành đai 3 (cách cầu Thanh Trì 1 km về phía Bắc Ninh) thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội); điểm cuối dự án tại cảng Ðình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng); có tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đầu tư.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone