Chưa đủ điều kiện, Nhà máy nước sông Đuống vẫn vận hành, bán giá cao?

Trí Anh - 21/10/2019 14:37 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây Dựng đã có công văn số 447/GĐ-GĐ3 gửi UBND TP.Hà Nội về công trình nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1 chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Hiện tại, nhà máy này đã được khánh thành và cấp phát nước cho người dân.

VNF

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 đã được Cục giám định tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Tuy nhiên còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống;

Trước đó, ngày 3/6/201, đường ông nước của nhà máy này bị vỡ tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế. Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32 nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

Công văn lưu ý UBND TP.Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.

Tuy nhiên, ngày 5/9/2019, nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ.

Đến ngày 13/10, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, đồng thời, phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, công suất 150.000 m3 nước/ngày đêm, trong khi Dự án nước sông Đà có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Đáng chú ý, tại dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống này lại có dùng đường ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Đây chính là doanh nghiệp mà năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà nhưng bị Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ sau vài tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng, hợp đồng cung cấp ống cho Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được ký với chính nhà thầu Trung Quốc Xinxing.

Với mức đầu tư ban đầu lớn, hệ thống đường ống phải kéo dài mới có thể cung cấp cho nhiều quận, huyện tại Hà Nội, vì thế, giá nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng đội lên tới trên 10.000 đồng/m3. 

Còn với Công ty cổ phần nước sạch sông Đà, hiện mức giá bán 5.069,76 đồng/m3 (rẻ bằng một nửa so với giá nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống). Vậy nhưng, chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Công ty cổ phần Viwaco (thuộc VINACONEX) và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.