Chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc nối tỉnh Đắk Nông và TP. HCM

Anh Minh - 05/07/2020 07:42 (GMT+7)

Tuyến cao tốc Đắk Nông – TP. HCM, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông dài 212 km, chi phí đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng sẽ đầu tư sau năm 2020.

VNF
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua Đắk Nông.

Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc nối tỉnh Đắk Nông và Tp.HCM, bao gồm việc nghiên cứu, tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ GTVT xem xét làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng được giao chủ trì, phối hợp làm việc với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan có tuyến đường đi qua để thỏa thuận các nội dung liên quan dự án; tham mưu về trình tự, thủ tục thực hiện; xây dựng phương án đầu tư (sự phù hợp quy hoạch, phạm vi, quy mô thiết kế, phân kỳ đầu tư, dự báo lưu lượng,..), đánh giá khả năng cân đối vốn, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đảm bảo tính khả thi khi thực hiện theo hình thức đối tác công - tư theo quy định, báo cáo Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất.

Theo Quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 và Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn sau năm 2020 sẽ xây dựng đường cao tốc với quy mô đạt từ 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100Km/h với tổng chiều dài khoảng 212km (trong đó đoạn qua Đắk Nông là 110 Km);  hướng tuyến không trùng với Quốc lộ 14 hiện tại mà đi về phía đông Quốc lộ 14 về tỉnh Bình Phước, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh đã bàn giao cọc mốc để địa phương quản lý. Vào đầu tháng 6/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương kêu gọi nhà đầu tư triển khai tuyến đường nêu trên theo hình thức PPP. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ tỉnh 100% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Để phá thế độc đạo về giao thông khu vực Tây Nguyên, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là phục vụ công nghiệp khai khoáng bô xít, phát triển công nghiệp phụ trợ khi Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông đi vào hoạt động, việc đầu tư tuyến cao tốc nối Đắk Nông với Tp.HCM là rất cấp thiết”, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông khẳng định.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác