Chuyện chai nước hoa mang chất độc Novichok và căng thẳng ngoại giao Nga-Anh

Thanh Tú - 06/09/2018 15:52 (GMT+7)

(VNF) - Cảnh sát Anh xác định hai nghi phạm người Nga đã dùng một lọ nước hoa đựng Novichok để xịt chất độc thần kinh lên tay nắm cửa nhằm đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Skripal.

VNF
Cảnh sát Anh công bố hình ảnh hai nghi phạm người Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov.

Ngày 5/9, các công tố viên Anh đã truy tố 2 công dân Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov tội âm mưu giết cha con ông Skripal và sĩ quan cảnh sát Nick Bailey đã bị phơi nhiễm chất độc Novichok khi điều tra vụ việc.

Theo các nhà khoa học Anh và Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học, Novichok là một loại chất độc thần kinh được các nhà khoa học Nga phát triển từ thời Liên bang Xô viết.

Theo các chứng cứ, chất độc Novichok được chứa trong chai nước hoa nữ "Premier Jour" của hãng Nina Ricci (Pháp), tuồn từ Nga vào Anh qua một chuyến bay của hãng Aeroflot (Nga).

Chai nước hoa này sau đó đi qua các trạm tàu lửa Victoria và Waterloo và một khách sạn giá rẻ ở London, sau đó đến thị trấn Salisbury - nơi xảy ra vụ đầu độc hai cha con ông Skripal.

Chất độc Novichok được chứa trong chai nước hoa nữ Premier Jour.

Rà soát lại hành trình, cảnh sát phát hiện hai người Nga này đã đến Salisbury ngày 3/3. Sau đó quay về London rồi lại quay trở lại ngày sau đó để thực hiện vụ đầu độc. 2 công dân Nga này đến Salisbury bằng tàu hỏa lúc 11 giờ 48 phút ngày 4/3 và rời đi cũng bằng tàu hỏa trước 14 giờ.

Hai cha con ông Skripal được phát hiện nằm ngất trên một băng ghế gần một trung tâm mua sắm lúc 17 giờ. Hình ảnh an ninh cho thấy 2 công dân Nga này có xuất hiện gần nhà ông Skripal, nhưng không trực tiếp trước nhà ông Skripal .

2 công dân Nga này cũng bị truy tố tội tàng trữ và sử dụng chất độc thần kinh. Nhà chức trách Anh đã ra lệnh bắt nội địa và cả khắp châu Âu với hai nam công dân Nga này. Trong ngày 5/9, Anh đã triệu tập đại diện ngoại giao Nga về vụ việc.

Hai nghi phạm đã ở khách sạn City Stay.

Đại sứ Anh tại Nga Laurie Bristow ngày 5/9 cũng đã tới gặp giới chức ngoại giao Nga để trao đổi về những diễn biến mới về vụ việc này. Tuy nhiên, nội dung cuộc gặp này không được công bố trước báo giới.

Phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 5/9, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết: “Dựa trên dữ liệu tình báo, chính phủ Anh đã kết luận rằng hai công dân Nga bị cảnh sát Anh và Cơ quan truy tố Crown (CPS)  chỉ đích danh chính là các nhân viên tình báo quân sự Nga – GRU”.

Bà May cho rằng, hai nhân viên tình báo Nga đã tới Anh làm nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của người lãnh đạo “cao nhất” nước Nga.

GRU chính là đơn vị mà Skripal từng phục vụ với quân hàm đại tá, nhưng sau đó bị tình báo Anh mua chuộc để cung cấp các thông tin mật. Sau khi bị phát hiện, Skripal bị kết án 13 năm tù vào năm 2006, nhưng được ân xá và đưa đến Anh vào năm 2010 theo một thỏa thuận trao đổi điệp viên với Mỹ.

Thủ tướng May ngày 5/9 một lần nữa yêu cầu Nga chịu trách nhiệm chuyện đã xảy ra ở Salisbury. Ngay sau vụ đầu độc cha con ông Skripal, bà May đã xúc tiến chiến dịch vận động cộng đồng thế giới trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Mấy tháng nay bà May luôn tuyên bố Anh sẽ không bỏ qua cho Nga vụ này.

Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace ngày hôm nay (6/9) nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin phải có trách nhiệm "cuối cùng" về vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc vì "Chính phủ của ông ấy kiểm soát, cấp vốn và ra lệnh cho tình báo quân sự".

Thủ tướng Anh Theresa May.

Theo Bloomberg, Anh có thể gây khó dễ cho các công dân Nga với biện pháp hạn chế cấp visa, vận động đồng minh trừng phạt Nga. Dự kiến trong hôm nay (6/9), Anh sẽ đưa chuyện cha con ông Skripal bị đầu độc ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Dù Anh đã phát lệnh truy nã hai nghi phạm trên toàn châu Âu, một phiên tòa xét xử Petrov và Boshirov nhiều khả năng sẽ không diễn ra vì Moskva luôn bác bỏ các cáo buộc của London và sẽ không bao giờ chấp nhận dẫn độ họ tới Anh.

"Những cái tên được công bố trên cơ quan truyền thông, cũng như những bức ảnh của họ, chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng tôi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 5/9 khẳng định.

Ông Alexander Shulgin, đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), cũng lên án tuyên bố của Anh như là "sự khiêu khích".

Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov nói rằng ông không thể hiểu Anh đang định gửi đi tín hiệu gì thông qua việc công bố những cái tên mà London nói có thể là bí danh:

"Chúng tôi đã nghe về 2 cái tên nhưng nó chẳng nói lên điều gì. Chưa kể nó lại là những cái tên được cho là giả mạo. Thật không hiểu chính phủ Anh đang cố gắng gửi đi thông điệp gì", ông Ushakov nói với Sputnik.

Văn phòng Tổng Công tố Nga cho biết họ sẵn sàng hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật Anh trong vụ Skripal, nhưng đồng thời hy vọng sẽ nhận được các bằng chứng từ Anh về sự tham gia của công dân Nga nếu họ thực sự có liên quan tới vụ việc.

Cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.

6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ông cùng con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng nguy kịch ở thành phố Salisbury, Anh, hôm 4/3, do bị tấn công bằng chất độc.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bác bỏ cáo buộc, Nga cũng đáp trả tương xứng với quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây đồng thời cảnh báo các động thái của phương Tây có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) ngày 3/4 cho biết cơ quan này xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự nhưng không xác định được nguồn gốc chính xác.

Cho tới nay, Anh vẫn từ chối cung cấp bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.

Xem thêm >> Giới siêu giàu Việt Nam tăng nhanh hàng đầu thế giới

Cùng chuyên mục
Tin khác