'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Nghị quyết 54 của Quốc hội trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022.
Một trong những nội dung TP. HCM đã phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Chính sách này được cho phù hợp với năng suất thực tế của người lao động thành phố - gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước. Tuy vậy, đến nay TP. HCM mới chỉ tăng từ 0,6 - 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của cán bộ, công chức chứ chưa đạt được mức 1,8 lần như trong Nghị quyết 54.
Cùng với tạo động lực cho cán bộ, cơ chế ủy quyền từ thành phố cho cấp huyện được cho đã giúp rút ngắn thời gian của một số loại thủ tục hành chính. Nghị quyết 54 trao quyền cho HĐND TP. HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian thay vì phải mất khoảng 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng như trước.
Kết quả, đến nay HĐND TP. HCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843ha. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được chuẩn bị tốt, 31/32 dự án chưa hoàn thành tiến độ, dự án còn lại đã bị hủy bỏ danh mục thu hồi.
Bên cạnh đó, TP. HCM cũng huy động được gần 14.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2022 thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay lại từ nguồn chính phủ vay nước ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng. Phí hạ tầng cảng biển được triển khai từ đầu tháng 4/2022 đến nay giúp TP. HCM thu được hơn 1.400 tỷ đồng bổ sung vào ngân sách.
Bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù còn lại về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu TP. HCM đều chưa tận dụng được.
Cụ thể, Nghị quyết 54 cho TP. HCM hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với trung ương. Tuy nhiên, thực tế sau gần 5 năm, do quá trình triển khai còn nhiều bất cập, TP. HCM cũng chưa thu được khoản nào từ chính sách này. TP. HCM cũng chưa nhận đồng nào từ chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan trung ương trên địa bàn.
Đối với chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, trong 5 năm qua, TP. HCM mới phê duyệt kết quả đối với 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao. Một số loại phí như: sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ôtô; bảo vệ môi trường từ nước thải công nghiệp được HĐND ban hành nhưng khi triển khai số tiền thu về không lớn.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM - nhận định, Nghị quyết 54 cho TP. HCM 5 năm thực hiện, thì đã có 2 năm TP. HCM gồng mình chống dịch.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 quan trọng nhất là cơ chế tài chính để tạo nguồn thu phát triển TP. HCM, nhưng các nguồn thu lớn đều gặp khó khăn do nhiều vướng mắc từ bộ, ngành.
Cụ thể theo ông Ngân, Nghị quyết 54 nêu rõ: “Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND TP. HCM quyết định”.
Thế nhưng, trong một số trường hợp, khi gặp vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh giữa các quy định, TP. HCM thường gửi văn bản hỏi các bộ, ngành và câu trả lời thường nhận được là thực hiện theo quy định hiện hành.
Ông Ngân dẫn chứng, UBND TP. HCM từng kiến nghị Thủ tướng và Bộ Tài chính cho phép thành phố được tổ chức bán đấu giá nhà đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc trung ương trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị này chưa phù hợp với Nghị định 151/2017; còn Văn phòng Chính phủ thì đề nghị TP. HCM thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
“Như vậy các vướng mắc sẽ khó có thể được tháo gỡ, dẫn đến cơ chế đặc thù bị vô hiệu hóa”, ông Trần Hoàng Ngân nói và cho rằng, nếu không thay đổi tư duy thì cơ chế đặc thù sẽ không phát huy hiệu quả đối với TP. HCM cũng như một số địa phương khác.
Theo ông Ngân, TP. HCM cần chỉ ra các nội dung của Nghị quyết 54 đang chồng chéo, vướng mắc với quy định pháp luật hiện hành đối với từng lĩnh vực cụ thể để đề xuất điều chỉnh và xác định thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện nhiều địa phương cũng đang tổng kết, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với từng địa phương. Do vậy, TP. HCM sẽ không xin cơ chế, chính sách theo khái niệm “đặc thù” nữa mà sẽ kiến nghị trung ương chọn TP. HCM làm nơi thí điểm những cơ chế, chính sách mới.
“Thí điểm có nghĩa là làm những việc nhu cầu phát triển xã hội cần mà quy định chưa có hoặc có mà chưa đủ. TP. HCM sẵn sàng nhận làm thí điểm để rút kinh nghiệm và có thể sau này nhân rộng cho toàn quốc”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Ông cũng cho biết thêm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi sẽ chọn TP. HCM làm nơi thí điểm tự chủ trong giáo dục, quản lý, đào tạo, y tế.
Ngoài ra, TP. HCM cũng sẽ xin cơ chế cho thành phố Thủ Đức nữa vì hiện nay chưa có cơ chế nào vượt trội.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.