'Đại gia' Trung Quốc muốn đầu tư dự án 200 triệu USD tại Nam Định
Nghi Xuân -
12/01/2024 15:25 (GMT+7)
(VNF) - Dự án của Tập đoàn Crystal (Hồng Kông, Trung Quốc) dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho 800 lao động, với mức doanh thu đạt 110 triệu USD và đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 6 triệu USD.
Dự án 200 triệu USD
Ngày 12/1, Tập đoàn Crystal có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định để đề xuất đầu tư dự án sản xuất sợi, vải, may mặc tại khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Theo giới thiệu, Crystal là một trong những tập đoàn lớn về chuỗi dệt may khép kín, đã niêm yết tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), với mức doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD; khách hàng chính là các thương hiệu Uniqlo, Victoria Secret và các nhãn hàng bán lẻ của Mỹ.
Việt Nam là địa bàn sản xuất chính của Crystal trong 20 năm qua với 5 nhà máy tại Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Dương. Tổng doanh thu xuất khẩu tại Việt Nam của Crystal đạt khoảng 1 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Crystal cho biết doanh nghiệp này đã tìm hiểu và có nhu cầu đầu tư dự án thứ 6 ở Việt Nam. Dự án này sẽ sản xuất sợi, vải, may mặc và dự kiến đặt tại khu công nghiệp dệt may Rạng Đông của tỉnh Nam Định.
Theo kế hoạch của Tập đoàn Crystal dự án tại Nam Định sẽ được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn, với tổng vốn gần 200 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy sản xuất vải với tổng vốn 60 triệu USD, sản lượng 55 triệu mét vải, giải quyết việc làm cho 800 lao động; dự kiến đạt doanh thu khoảng 110 triệu USD, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 6 triệu USD.
Số vốn còn lại sẽ được thực hiện vào giai đoạn 2, đầu tư nhà máy may quần bò, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động; dự kiến nâng tổng doanh thu lên gấp đôi.
"Dự án tại Nam Định cũng là dự án đầu tiên của tập đoàn ở Việt Nam được đầu tư theo quy mô chuỗi, hứa hẹn là dự án cho thành tựu lớn nhất của tập đoàn", lãnh đạo Crystal nhấn mạnh.
Về phía tỉnh Nam Định, lãnh đạo địa phương này cho biết tuy năng lực đóng góp ngân sách từ dự án do Tập đoàn Crystal đề xuất chưa cao nhưng tỉnh đánh giá cao về khả năng cung cấp nguyên liệu sản xuất tại nguồn cho ngành công nghiệp dệt may của cả nước cũng như của Nam Định.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để Tập đoàn Crystal cũng như tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi tối đa theo khuôn khổ pháp luật trong tất cả các khâu từ xúc tiến, thực hiện thủ tục, triển khai đầu tư dự án cho đến vận hành, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Điểm sáng thu hút FDI
Hiện, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 10 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch, với tổng diện tích hơn 2.046ha. Trong đó, có 4 khu công nghiệp đã hình thành, gồm: khu công nghiệp Hòa Xá, khu công nghiệp Mỹ Trung, khu công nghiệp Bảo Minh, khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông sẽ được giữ nguyên. khu công nghiệp Bảo Minh, khu công nghiệp Hòa Xá, do diện tích lấp đầy đã đạt 100%.
Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp, như vậy, tổng diện tích các khu công nghiệp thành lập mới trong thời kỳ 2021 - 2030 sẽ gấp 1,3 lần diện tích hiện nay. Đến năm 2050, dự kiến tổng số khu công nghiệp tại tỉnh Nam Định tăng lên 27 khu với tổng diện tích 6.721ha.
Thời gian gần đây, Nam Định trở thành điểm sáng thu hút vốn FDI khi liên tiếp đón các dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài.
Cuối tháng 11/2023, dự án Kỹ thuật bảo hộ an toàn Xingyu Việt Nam của Xingyu Safety Technology (Singapore) được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.027 tỷ đồng, tương đương 84,47 triệu USD, thực hiện trên diện tích 103.550m2.
Tháng 10/2023, UBND tỉnh Nam Định cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án trung tâm thương mại AEON Nam Định với Công ty TNHH AEON Việt Nam (thuộc Tập đoàn AEON, Nhật Bản). Ngoài ra, Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) cũng đề xuất xây dựng dự án đầu tư trung tâm điện khí LNG công suất 1.500-3.000MW và kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc có khả năng tiếp nhận tàu 200.000 DWT tại Nam Định.
Trong 8 tháng của năm 2023, tỉnh Nam Định đã đón làn sóng đầu tư lớn từ các tập đoàn nước ngoài như: Tập đoàn Quanta Computer Inc đầu tư dự án sản xuất máy tính với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm; Tập đoàn JiaWei đầu tư nhóm 3 dự án sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD; Tập đoàn Sunrise Material đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polymer công nghệ cao trị giá 100 triệu USD…
Đến hết tháng 8/2023, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án (bao gồm 18 dự án đầu tư trong nước và 6 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.270 tỷ đồng và 141,3 triệu USD.
Ông Nguyễn Mai Thuận, Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi đến với Nam Định là đang hoàn thiện nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, trong đó có dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại tới các cảng biển, sân bay góp phần giải quyết yêu cầu về logistics cho các doanh nghiệp.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone