Đánh thuế tài sản với nhà: 'Định giá theo thị trường chứ không theo giá quy định'

Lệ Chi - 02/12/2022 06:58 (GMT+7)

(VNF) - Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng trước khi đánh thuế tài sản với nhà thì nhà đó cần được định giá theo thị trường chứ không phải theo giá quy định của cơ quan nhà nước và chỉ dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa vào vị trí hay diện tích nhà.

VNF
Ảnh Đoàn Tùng

Như VietnamFinance đã thông tin, Bộ Tài chính vừa có quyết định phê duyệt chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Theo quyết định, Bộ Tài chính lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét và năm 2024 ban hành Luật thuế liên quan đến tài sản. Về định hướng xây dựng Luật thuế liên quan đến tài sản, Bộ Tài chính cho biết sẽ rà soát thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Trước vấn đề này, ông Phạm Đức Toản, nhà sáng lập bất động sản EZ Property, cho rằng trước khi đánh thuế tài sản với nhà thì nhà đó cần được định giá theo thị trường chứ không phải theo giá quy định của cơ quan nhà nước và chỉ dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa vào vị trí hay diện tích nhà.

Trong đó, tùy theo từng vị trí của tài sản, loại hình tài sản mà các mức thuế được đưa ra khác nhau, không thể đánh đồng mức thuế một nhà miền núi với một căn nhà phố vài chục tỷ đồng, hay một chung cư cao cấp với một căn nhà giá rẻ. Cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp thì mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao. Cuối cùng là không nên đánh thuế tất cả mọi người, chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế và không nên đánh thuế hộ nghèo, nhà ở xã hội.

Mặt khác, theo ông Toản, hiện nay thực trạng các nút thắt trong pháp luật về đất đai vẫn còn những vấn đề đang chờ để tháo gỡ như việc kê khai tài sản, quản lý thu nhập ở Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự tốt. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt do đó người ta hoàn toàn có thể lách được luật thông qua người đứng hộ tên bất động sản để né thuế sở hữu nhiều bất động sản.

"Thu thuế bất động sản thứ hai vừa là công cụ để tăng thu ngân sách, nhưng cũng có thể sẽ làm giảm thu ngân sách, bởi nhà đầu tư sẽ cân nhắc hơn trong quyết định xuống tiền. Hơn nữa, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vẫn còn thấp, nếu thu thuế ở thời điểm đô thị hóa chưa phát triển đủ sẽ có thể làm chậm quá trình này. Cần có thời gian và dư địa để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, thay vì kìm hãm thị trường", ông Toản nói.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết tại các quốc gia công nghiệp, họ đều sử dụng công cụ duy nhất là thuế bất động sản để điều chỉnh thị trường, không có giải pháp nào khác; đánh thuế nặng vào những trường hợp đầu cơ nhà đất và miễn giảm thuế cho người có nhà đất đủ dùng.

GS Đặng Hùng Võ cho biết Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 đã nhấn mạnh nhiệm vụ ban hành sắc thuế bất động sản với nội dung cụ thể hơn, chủ yếu bao gồm: rà soát và xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và tạo lộ trình hợp lý; đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên.

Nội dung nêu trên, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đã giải quyết được vướng mắc thứ nhất đã nói trên - ban hành sắc thuế bất động sản không có nghĩa là tăng thuế mà là xác định mức thuế cao với giới đầu cơ và mức thuế thấp với đa số người lao động có nhà đất đủ dùng. Vướng mắc thứ 2 sẽ khó vượt qua hơn, cần kết hợp với việc hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Dân sự và nhiều luật khác có liên quan.

“Cốt lõi của vấn đề là dẹp bỏ tư duy về bảo vệ quyền riêng tư về tài sản, thay bằng tư duy minh bạch tài sản, bắt buộc giải trình nguồn gốc tài sản, cách duy nhất để loại bỏ tham nhũng. Quãng đường khó khăn còn dài và cần tới quyết tâm lớn của Đảng, nhà nước và cả dân tộc”, ông Đặng Hùng Võ nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác