Đầu tư 830km đường cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Lê - 05/03/2022 09:09 (GMT+7)

(VNF) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

VNF
Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa cho ĐBSCL (Ảnh minh họa)

Theo đó, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. 

Về phương hướng phát triển công nghiệp, vùng này sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. 

Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; đầu tư các kho trữ đông có công suất 10.000 tấn/năm. 

Đến năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng; tập trung phát triển điện gió và điện mặt trời; xem xét phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An sau năm 2030.

Quy hoạch cũng nêu rõ, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu.

Phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với TP. HCM, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau.

Phát triển tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnom Penh, Seam Reap (Campuchia)…

Đồng thời, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử...

Cùng chuyên mục
Tin khác